Cà Mau: Hội thảo "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Chiều 15/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử" nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, ngày 7/5/1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Chiến thắng lịch sử đó đã trực tiếp góp phần buộc Chính phủ Pháp và các bên có liên quan phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để tiến hành việc tập kết lực lượng của hai bên.
"Đi là thắng lợi, ở là quang vinh"
Theo Hiệp định, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), cùng một số địa điểm khác trong tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Trung ương Cục miền Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần "đi là thắng lợi, ở là quang vinh".
Trong thời gian 200 ngày tập kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng hoạt động của chính quyền cách mạng tại Cà Mau rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thời gian 200 ngày tập kết đó, đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam Bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía Bắc đón nhận, cưu mang, đùm bọc và tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống, tạo công ăn, việc làm, học tập, lao động và tham gia chiến đấu, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn - nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành AHLLVT, AHLĐ… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai cho biết, Cà Mau là 1 trong 3 khu vực Nam Bộ được vinh dự chọn làm khu tập kết với thời gian dài nhất để tổ chức lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu...
Việc tổ chức tập kết ra Bắc và tổ chức tập kết 200 ngày ở Cà Mau không chỉ thực hiện nội dung Hiệp định Giơnevơ mà là một phần của công cuộc tái lập trật tự ổn định sau chiến tranh. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và ghi dấu ấn không thể nào quên trong đồng bào cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai miền Nam - Bắc.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với Cà Mau mà còn đối với cả nước. Đây là một trong những hoạt động quan trọng kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc và là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử "tình sâu nghĩa nặng" của đồng bào chiến sĩ nhân dân hai miền Nam - Bắc trong những ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc.
Tham luận tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, Bộ Quốc cho rằng, cùng với xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức đảng để lãnh đạo đấu tranh trong tình hình mới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo các tỉnh ủy sắp xếp bố trí người ở lại bám trụ địa phương làm nòng cốt lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn quần chúng đấu tranh với địch.
Đây là lực lượng dự trữ chiến lược nòng cốt, lâu dài cho cách mạng miền Nam. Với tinh thần "đi thắng lợi, ở vinh quang" các cấp bộ đảng ở miền Nam đã tiến hành chọn người đi tập kết, người ở lại sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới.
Theo thống kê có khoảng 60.000 đảng viên được bố trí ở lại Nam Bộ; miền Đông Nam Bộ có 14.365 đảng viên, trong đó, tỉnh Gia Định có 3.000 đảng viên, tỉnh Thủ Dầu Một có 1.647 đảng viên, Biên Hòa: 1.218 đảng viên, Tân An - Chợ Lớn: 3.000 đảng viên, Tây Ninh: 4.000 đảng viên. Đảng bộ Tây Nam Bộ trước đây có 46.000 đảng viên, sau khi đưa khoảng 16.000 đảng viên đi tập kết, tăng cường cho Sài Gòn và chuyển số đảng viên hai tỉnh Long Châu Hậu và Bến Tre về liên tỉnh miền Trung, Đảng bộ Tây Nam Bộ còn khoảng 30.000 đảng viên.
Trong tổng số 13.727 đảng viên của lực lượng vũ trang chuẩn bị tập kết ra miền Bắc, đã có 1.255 đồng chí được các cấp ủy lựa chọn ở lại. Thời gian này, số cán bộ thoát ly ở liên tỉnh miền Trung Nam Bộ có 40.000 người: số đi tập kết 10.000, số còn lại 30.000, trong đó có 12.000 đảng viên; đảng viên xã, ấp chiếm tới 2/3. Tại Liên khu V, ta để lại 3.001 đồng chí, chủ yếu là những cán bộ, đảng viên, quân - dân - chính - đảng… quá trình tập kết và bố trí lực lượng ở lại tiếp tục chiến đấu là một thành công lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Sáng mãi nghĩa tình
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để kịp thời ứng phó với sự biến đổi của tình hình mới, Trung ương Ðảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định mang tầm chiến lược, đó là đưa một số đồng bào, chiến sĩ, con em cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết ngày 7/9/1954 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về chuyển hướng công tác xây dựng đảng trong tình hình mới ở miền Nam, tháng 10/1954, tại căn cứ Chắc Băng trong rừng U Minh, Vĩnh Thuận, tỉnh Cà Mau, Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được tiến hành. Hội nghị đã bầu ra Xứ ủy Nam Bộ gồm các đồng chí: Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy; Phạm Hữu Lầu, Phó Bí thư; Hoàng Dư Khương, Thường trực Xứ ủy…
PGS.TS Lý Việt Quang cho rằng, đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo luôn nặng lòng với miền Nam, khát khao giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng chí cũng là nhà lãnh đạo tiêu biểu của việc sâu sát thực tiễn.
Chính vì vậy, đồng chí đã từ chối tập kết ra Bắc mà xin ở lại miền Nam và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng, giao phó. Có thể khẳng định, nếu quyết định đưa một số cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc là quyết định mang tầm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì quyết định phân công đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam cũng là quyết định thể hiện rõ tầm chiến lược đó.
Chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề: "Thanh Hóa tiếp nhận, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 - Sáng mãi nghĩa tình", ông Nguyễn Ngọc Túy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, với tầm nhìn chiến lược, thấy trước dã tâm của kẻ thù quyết phá hoại Hiệp định Giơnevơ và đàn áp, trả thù những người kháng chiến, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến và chuyển hàng vạn đồng bào, con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa phục vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau khi thống nhất hai miền Nam - Bắc.
Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện Hiệp định Giơnevơ; ngày 29/7/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra "Điện số 156/A" gửi Trung ương Cục Miền Nam về lựa chọn cán bộ ra Bắc tập kết và cán bộ để hoạt động ở Nam Bộ. Ngày 31/8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 87-CT/TW về đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc.
Ngày 25/9/1954, tại bến Sầm Sơn Thanh Hóa (nay là Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) rực rỡ cờ hoa chào đón chiếc tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào giữa tiếng hoan hô vang dậy của đồng bào Thanh Hóa đón những người con miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết. Đưa một số lượng rất lớn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết là các tàu biển của Liên Xô và Ba Lan. Các tàu này không cập được bến Sầm Sơn, phải đậu cách xa đất liền vài cây số. Vì vậy, địa phương phải huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền nhỏ để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu mất hai ngày mới chở hết đồng bào vào đất liền.
Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 - tháng 5/1955), toàn tỉnh đã đón tiếp 7 đợt, với 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Sau khi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam lên bờ, được Ban đón tiếp và Nhân dân đưa vào các lán trại được chuẩn bị sẵn để nghỉ ngơi, chăm sóc; nhiều khi lán trại không đủ, Nhân dân Quảng Tiến đưa đồng bào về nhà mình để chăm sóc. Sau công tác đón tiếp an toàn, chu đáo, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được phân công đi khắp các tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác.
Đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ, ổn định cuộc sống. Trong đó, có 2.631 em học sinh được bố trí về 12 trường tại 9 xã ở huyện Quảng Xương để tiếp tục học tập; 1.743 công nhân viên và 90 gia đình bộ đội, cán bộ được phân công về các địa phương trong tỉnh, bố trí việc làm, tiếp tục học tập, công tác, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc.
Văn DươngNăm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.