Cà Mau: Phấn đấu cải thiện ít nhất 5 bậc PAPI của tỉnh trong năm 2023
Năm 2023, tỉnh Cà Mau phấn đấu cải thiện ít nhất 5 bậc Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh.
Năm 2022, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh Cà Mau đạt 41.87 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố (tăng 0,10 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 6 khu vực ĐBSCL), theo kết quả công bố do Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện.
Từ đó, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 22/6/2023 Cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2023 của tỉnh Cà Mau. Mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công. Phấn đấu cải thiện ít nhất 5 bậc Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh trong năm 2023.
Người đứng đầu các cấp, các ngành có sự tham gia, vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các chỉ số nội dung. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh.
Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
Tổ chức công khai thông tin về các vấn đề chính sách, pháp luật quan liên quan tới người dân (Điều 11 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở) thông qua các hình thức như: niêm yết thông tin tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa ấp, khóm, công khai trên hệ thống truyền thanh cơ sở, thông qua trưởng ấp, khóm để thông báo đến công dân, đăng tải trên trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã (nếu có)...
Tạo cơ hội cho người dân tham gia vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể; cơ hội tham gia vào các tổ chức xã hội, hội, nhóm, câu lạc bộ tự lập; người dân trực tiếp bầu trưởng ấp/tổ trưởng tổ dân phố... theo quy định.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, thực hiện đầy đủ, đúng quy định trong việc để Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới/tu sửa công trình… tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế để xây mới/tu sửa công trình và tham gia vào việc quyết định xây mới/tu sửa công trình công cộng ở cấp xã theo quy định.
Công khai, minh bạch thông tin
Thực hiện cung cấp, công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác thông tin chính sách, pháp luật và các tài liệu cần thiết khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở... tạo điều kiện cho người dân có thể truy cập, tìm kiếm, tiếp nhận thông tin được dễ dàng, kịp thời, nhanh chóng, hữu ích, đáng tin cậy, đảm bảo quyền "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Tiếp cận thông tin.
Tổ chức thực hiện công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định, đánh giá, xác định phân loại hộ nghèo đảm bảo chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo của địa phương; niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã; kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá bồi thường thu hồi đất) tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa ấp, khóm, công khai trên hệ thống truyền thanh cơ sở... đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, kịp thời tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chuyển đơn, thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; chú trọng, kịp thời nắm bắt và giải quyết thấu tình, đạt lý những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân và những khúc mắc, bức xúc nảy sinh từ cơ sở; tăng cường tổ chức đối thoại với công dân có khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp không để phát sinh "điểm nóng".
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý không được sử dụng tài chính công, tài sản công vào mục đích riêng; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm đối với các hành vi nhũng nhiễu, tư lợi, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ…
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Cập nhật, công bố, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực/xác nhận của chính quyền cấp xã, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục khác do cấp xã thực hiện; giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định, không để người dân phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định.
Văn Dương - Hồng ÂnMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.