Cà Mau: Phát huy vai trò của tuyên truyền viên phổ biến giáo dục pháp luật trong đời sống xã hội
Ngày 23/8, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Để thực hiện tốt công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh, ngày 25/10/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành 167 văn bản gồm 1 nghị quyết, 1 kết luận, 6 chương trình, 51 quyết định, 64 kế hoạch và 44 công văn. UBND cấp huyện ban hành 68 văn bản gồm 1 chương trình, 32 quyết định, 27 kế hoạch và 8 công văn.
Chỉ đạo những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm
Trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp PBGDPL phù hợp cho từng đối tượng, địa bàn, nhất là những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, điển hình như công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, xử lý vi phạm hành chính đối với việc găm hàng, đầu cơ hàng hóa, tăng giá gây bất ổn thị trường; các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng đen; về công chứng, chứng thực, đấu giá tài sản, đất đai; phòng, chống các tệ nạn cờ bạc, số đề, ma túy, mại dâm, xâm hại trẻ em và nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Điển hình một số hoạt động nổi bật như Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức 5 cuộc Hội nghị triển khai Luật PBGDPL, cho gần 1.000 lượt đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; công chức, viên chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tin đại chúng; lồng ghép tổ chức được 57 lớp tập huấn kỹ năng PBGDPL và hòa giải cơ sở cho hơn 9.050 đại biểu là tuyên truyền viên cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở. Tổ chức 46 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, có gần 2.050 thí sinh và hơn 20.500 cổ động viên tham gia; phát hành gần 100 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật; các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức, lồng ghép triển khai, quán triệt theo ngành, lĩnh vực, địa phương được 8.535 cuộc, có 504.450 lượt người dự…
Phong phú trong hình thức tuyên truyền
Hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương và từng nhóm đối tượng cụ thể. Hàng năm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức từ 2 cuộc triển khai các Luật mới, ngoài ra còn tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và Nhân dân về Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Lao động; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật PBGDPL; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Trẻ em; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công an nhân dân; Luật Quốc tịch; Luật Nhà ở; Luật Phòng, chống tham nhũng...
Đặc biệt, PBGDPL trên mạng xã hội là hình thức hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng và kịp thời. Tỉnh Cà Mau đã thực hiện tạo các tài khoản trên các ứng dụng mạng xã hội để thực hiện PBGDPL như: Fanpage Cà Mau; Fanpage PBGDPL tỉnh Cà Mau; kênh Youtube Cà Mau; Youtube PBGDPL Cà Mau; Zalo page Cà Mau; Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G)... PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh...
Bên cạnh đó, PBGDPL thông qua hòa giải ở cơ sở là hình thức được thực hiện thường xuyên, kể cả trong thời gian không phát sinh vụ việc cần hòa giải. Toàn tỉnh hiện có 883 Tổ hòa giải, với tổng số 5.949 hòa giải viên; thực hiện PBGDPL thông qua các cuộc giải cơ sở 3.800 cuộc, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 74%. Qua đó, nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân. Đặc biệt, tại những địa bàn có "điểm nóng" về khiếu kiện thì việc tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật tại chỗ cũng góp phần giúp "xoa dịu" tình hình, giải tỏa những vướng mắc pháp luật của người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
Nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong tuyên truyền PBGDPL
Nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL được tổ chức, duy trì thường xuyên, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, điển hình như: Công an tỉnh với các mô hình Cảm hóa giáo dục người lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù; cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về ma túy; mỗi ngày, phạm nhân làm ít nhất một việc tốt để hoàn lương...
Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện Chương trình livestream trực tuyến với chủ đề "Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Điểm tựa cuộc sống"; Chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề "Chính sách Bảo hiểm xã hội bắt buộc trong quan hệ lao động" được phát trực tiếp trên sóng truyền hình Cà Mau và phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội facebook, youtube của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau. Sở Tư pháp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; thực hiện các Phóng sự tuyên truyền PBGDPL, chuyên mục pháp luật hàng tháng và Chương trình thời sự 16h30 Chủ nhật hàng tuần phát trên sóng truyền hình và phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau.
Tỉnh đoàn với các mô hình Phòng, chống ma túy cho thanh thiếu nhi; Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội; Ánh sáng an ninh; Tiết học an toàn giao thông; Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép PBGDPL với các hoạt động lễ hội, hội thi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông lồng ghép PBGDPL trên mạng xã hội và trên Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G). Bộ CHQS tỉnh với mô hình mỗi tuần một điều Luật. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với mô hình mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án tìm hiểu pháp luật và Câu lạc bộ Pháp luật học đường. Hội LHPN tỉnh với các mô hình Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người...
Nhiều giải pháp thiết thực… nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL
Báo cáo tham luận với chủ đề "Thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả PBGDPL gắn với công tác vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở" của Công an tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, từ năm 2013 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của tỉnh tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức thành công cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013"; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các luật được Quốc hội thông qua; tổ chức hưởng ứng "Ngày pháp luật Việt Nam"... Đặc biệt, Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các quy định của pháp luật về cách ly y tế, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh...
Để nâng cao công tác vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, hạn chế vi phạm pháp luật, hình thành thói quen sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong thời gian tới, Công an tỉnh đề ra một số giải pháp như: tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; thường xuyên kiện toàn đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên. Tích cực, chủ động tuyên truyền đúng đối tượng theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nên hình thành từng nhóm đối tượng để tuyên truyền cho phù hợp. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Bổ sung kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, nhất là ở cơ sở.
Để chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, ngư dân vùng biên giới, hải đảo ngày càng nâng lên. Trong thời gian tới, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Luật PBGDPL, nhất là Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 25/10/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Cà Mau gắn với Đề án "Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025"; Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" giai đoạn 1 (2022 - 2024).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp... kịp thời định hướng, chuyển tải các quy định của pháp luật tới cán bộ, nhân dân trên khu vực biên giới biển.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét: Ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, theo hướng giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Sở Tư pháp trong việc rà soát, đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật, trong trường hợp báo cáo viên pháp luật đã nghỉ hưu, chuyển vị trí công tác hoặc không có điều kiện để thực hiện công tác PBGDPL theo quy định.
Để tổ chức thi hành Luật PBGDPL được tốt hơn trong thời gian tới, Cà Mau kiến nghị Bộ Tư pháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chủ chốt Sở Tư pháp và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Trong đó, hỗ trợ tập huấn tại tỉnh Cà Mau hoặc khu vực mỗi năm ít nhất 1 lần. Tăng cường biên soạn tài liệu tuyên truyền, chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để địa phương có thể sử dụng, vận dụng vào công tác PBGDPL tại địa phương. Xem xét, thống kê mô hình PBGDPL, cách làm hay, hiệu quả cả nước để các tỉnh, thành phố nghiên cứu, học hỏi, nhân rộng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Cà Mau cho biết, các hoạt động PBGDPL luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của từng địa phương và mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tại địa phương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới, đa dạng, phù hợp điều kiện, tình hình từng địa bàn, đơn vị và luôn hướng mạnh về cơ sở.
Để thực hiện tốt Luật PBGDPL trong thời gian, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các ngành và địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL và các Luật mới được Quốc hội ban hành năm 2022 và những năm tiếp theo. Đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân và nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Cần quan tâm, củng cố, kiện toàn đội Hội đồng phối hợp PBGDPL và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đảm bảo phẩm chất, tiêu chuẩn và trình độ. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 07/12/2020 của UBND tỉnh. Đa dạng các hình thức PBGDPL, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Duy trì và nhân rộng cách làm hay, mô hình mới về công tác PBGDPL nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 12 tập thể và 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong tổ chức thực hiện Luật PBGDPL trên đại bàn tỉnh, giai đoạn 2012-2022.
Văn Dương - Hồng ÂnTheo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.