Cà Mau: Quyết liệt trong phòng, chống khai thác IUU

Địa phương
03:22 PM 03/10/2024

Tỉnh Cà Mau cùng các tỉnh ven biển huy động hệ thống chính trị, quyết liệt khắc phục hạn chế, triển khai đồng bộ các giải pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), nhằm gỡ "thẻ vàng" của EC.

Tỉnh Cà Mau xác định công tác phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, thời gian qua, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai phòng, chống khai thác IUU, thực hiện tốt các khuyến nghị mà EC đã chỉ ra trong đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023. 

Cà Mau: Quyết liệt trong phòng, chống khai thác IUU- Ảnh 1.

Lực lượng biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng.

Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, nhất là các quy định về lắp đặt sử dụng thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá, tạo sự chuyển biến trên thực tế, kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 4.222 tàu cá (trong đó, có 1.545 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 100%); sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh được thống kê, theo dõi thông qua công tác kiểm tra, giám sát tại các cảng cá do nhà nước đầu tư và bến cá tư nhân khoảng 64.171 tấn, đạt trên 40% (sản lượng khai thác 8 tháng đầu năm đạt 159.001 tấn).

Tỉnh Cà Mau đã lập danh sách theo dõi, quản lý chặt đối với tàu cá đã xóa đăng ký; tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản (GPKTTS); hết hạn đăng kiểm; tàu cá "3 không" (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm); tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS từ 10 ngày trở lên; tàu cá vượt ranh giới… còn hoạt động trên biển. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số chủ tàu và tàu cá không còn ở địa phương, việc liên lạc với chủ tàu gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thiết lập hồ sơ, biên bản, hình ảnh đối với những tàu cá này trên phần mềm số hóa IUU chưa đạt theo yêu cầu.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động tối đa cán bộ chuyên môn; cán bộ các ngành, đoàn thể các cấp hỗ trợ chính quyền cơ sở điều tra, xác minh tàu cá, lập hồ sơ số hoá và duy trì quản lý sau số hóa theo quy định. 

Đối với nhóm tàu cá "3 không" bố trí cán bộ kiểm tra, phân nhóm, phân loại, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép; chủ động rà soát nắm thực trạng, vị trí neo đậu, giám sát chặt chẽ không để tàu cá này ra biển hoạt động.

Lực lượng biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng. Theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động trên biển. 

Bên cạnh đó, các lực lượng thực thi pháp luật như Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các lực lượng thanh tra chuyên ngành chủ động nắm tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển, kiểm soát chặt chẽ không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, mất tín hiệu kết nối thiết bị VMS và thiếu thủ tục, giấy tờ ra biển hoạt động.

Để tạo sự đồng thuận trong người dân, nâng cao nhận thức về phòng chống khai thác IUU, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán tờ rơi, infographich (đồ họa thông tin), quét mã QR… phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU và các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao (Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP). Qua đó, để các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân nắm vững và tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản, ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.

Cà Mau: Quyết liệt trong phòng, chống khai thác IUU- Ảnh 2.

Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh Cà Mau tăng cường công tác xử lý vi phạm (xử lý hành chính, hình sự), xử lý 100% tàu cá mất kết nối VMS.

Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh Cà Mau tăng cường công tác xử lý vi phạm (xử lý hành chính, hình sự), xử lý 100% tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới, tàu hết hạn giấy phép, tàu hết hạn đăng kiểm còn hoạt động trên biển, không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định, tàu thuộc diện giải bản nhưng vẫn hoạt động; điều tra, làm việc trực tiếp với chủ tàu nghi vấn và đấu tranh, chứng minh (không nhất thiết phải phát hiện quả tang, bắt và tạm giữ tang vật, vật chứng vi phạm là thiết bị giám sát hành trình đã tháo,…) nhằm cảnh báo, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá tháo, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (bị nước ngoài bắt giữ, lực lượng chức năng trong nước phát hiện bắt giữ).

Cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của cảng cá tư nhân, nhất là việc kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng tư nhân, nhật ký khai thác thủy sản... tổng hợp vào kết quả chung của tỉnh; rà soát, hướng dẫn chủ các bến cá tư nhân đủ điều kiện lập hồ sơ, thủ tục để trình cấp thẩm quyền công bố mở cảng theo quy định.

Dự kiến trong tháng 10/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam lần thứ 5 - đây là cơ hội lớn để Việt Nam gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC đối với thủy sản Việt Nam. Cùng với các tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước, tỉnh Cà Mau đã và đang chống khai thác IUU bằng những hành động cụ thể, thiết thực, với quyết tâm chính trị cao nhất, hướng đến mục tiêu chung tay cùng cả nước sớm gỡ "thẻ vàng" của EC để phát triển nghề cá Việt Nam bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Văn Dương
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.