Cà Mau: Quyết tâm phòng, chống khai thác IUU, chung tay gỡ “thẻ vàng” của EC
Thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW về chống khai thác IUU, Cà Mau tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân và doanh nghiệp tuân thủ quy định, chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EC lần thứ 5, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" và phát triển thủy sản bền vững.
Kiên quyết không cho tàu "3 không" ra biển hoạt động
Cà Mau hiện có 4.222 tàu cá (trong đó, có 1.545 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 100%); sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh được thống kê, theo dõi thông qua công tác kiểm tra, giám sát tại các cảng cá do nhà nước đầu tư và bến cá tư nhân khoảng 64.171 tấn, đạt trên 40% (sản lượng khai thác 8 tháng đầu năm 2024 đạt 159.001 tấn).
Đồng thời, tỉnh cũng đã lập danh sách theo dõi, quản lý chặt đối với tàu cá đã xóa đăng ký; tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản; hết hạn đăng kiểm; tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS từ 10 ngày trở lên; tàu cá vượt ranh giới… còn hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, đối với nhóm tàu cá "3 không" (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) bố trí cán bộ kiểm tra, phân nhóm, phân loại, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép; chủ động rà soát nắm thực trạng, vị trí neo đậu, giám sát chặt chẽ không để tàu cá này ra biển hoạt động.
Để thực hiện tốt tháng cao điểm phòng, chống khai thác IUU hiệu quả, UBND tỉnh Cà Mau giao nhiệm vụ đến các cơ quan đơn vị. Lực lượng BĐBP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng. Theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động trên biển.
Đồng thời, các lực lượng thực thi pháp luật như Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các lực lượng thanh tra chuyên ngành chủ động nắm tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển, kiểm soát chặt chẽ không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, mất tín hiệu kết nối thiết bị VMS và thiếu thủ tục, giấy tờ ra biển hoạt động.
Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh Cà Mau tăng cường công tác xử lý vi phạm (xử lý hành chính, hình sự), xử lý 100% tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới, tàu hết hạn giấy phép, tàu hết hạn đăng kiểm còn hoạt động trên biển, không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định, tàu thuộc diện giải bản nhưng vẫn hoạt động; điều tra, làm việc trực tiếp với chủ tàu nghi vấn và đấu tranh, chứng minh (không nhất thiết phải phát hiện quả tang, bắt và tạm giữ tang vật, vật chứng vi phạm là thiết bị giám sát hành trình đã tháo…) nhằm cảnh báo, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá tháo, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (bị nước ngoài bắt giữ, lực lượng chức năng trong nước phát hiện bắt giữ).
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số chủ tàu và tàu cá không còn ở địa phương, việc liên lạc với chủ tàu gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thiết lập hồ sơ, biên bản, hình ảnh đối với những tàu cá này trên phần mềm số hóa IUU chưa đạt theo yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Quân cho rằng, trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động tối đa cán bộ chuyên môn; cán bộ các ngành, đoàn thể các cấp hỗ trợ chính quyền cơ sở điều tra, xác minh tàu cá, lập hồ sơ số hoá và duy trì quản lý sau số hóa theo quy định. Đối với nhóm tàu cá "3 không" bố trí cán bộ kiểm tra, phân nhóm, phân loại, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép; chủ động rà soát nắm thực trạng, vị trí neo đậu, giám sát chặt chẽ không để tàu cá này ra biển hoạt động.
Nâng cao nhận thức để ngư dân tự giác chống khai thác IUU
Để tạo sự đồng thuận trong người dân, nâng cao nhận thức về phòng, chống khai thác IUU, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán tờ rơi, infographic (đồ họa thông tin), quét mã QR… phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU và các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP).
Qua đó, để các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân nắm vững và tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản, ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Đại tá Phạm Minh Giang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết, xác định công tác phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, ngư dân, các chủ phương tiện trong quá trình khai thác, đánh bắt trên biển, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống khai thác IUU; Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Tỉnh ủy Cà Mau về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn…
Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã cấp phát 9.050 tờ rơi, tờ gấp về phòng, chống khai thác IUU, tuyên truyền trực tiếp tại các Trạm kiểm soát Biên phòng được 428 buổi cho 8.820 lượt phương tiện, với 16.325 lượt thuyền viên; tuyên truyền nhỏ lẻ được 82 buổi cho 212 phương tiện, 167 hộ gia đình, thông qua hệ thống loa phát thanh địa phương vào các khung giờ cao điểm với tổng thời lượng 231 giờ; vận động 80 hộ dân tự nguyện giao nộp 80 bộ dụng cụ kích điện, 5 hộ gia đình tháo dỡ bãi nuôi sò sai quy định, 149 hộ, 307 chủ phương tiện ký cam kết không khai thác thủy sản tận diệt. Bên cạnh đó, đã trao 3.410 lá cờ tổ quốc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Chính ủy BĐBP tỉnh Cà Mau đánh giá, tính riêng đợt cao điểm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 4/9/2024 của UBND tỉnh, BĐBP tỉnh Cà Mau đã thành lập và chỉ đạo các đồn Biên phòng thành lập Tổ công tác chuyên biệt; tăng cường 15 đồng chí hỗ trợ các xã, thị trấn; 37 đồng chí phối hợp với cán bộ, đảng viên ở ấp, khóm trọng điểm về IUU thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý tàu cá nguy cơ cao vi phạm; cử 01 đồng chí tham gia Tổ công tác Đặc biệt thuộc Đội kiểm tra liên ngành 666 tỉnh, xác minh nhanh các tàu cá vi phạm IUU; triển khai 16 chốt/38 CBCS kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có Trạm KSBP.
Cấp 4.600 tờ rơi, 1.500 tờ gấp tuyên truyền về IUU; tuyên truyền tập trung 9 buổi/651 người, vận động 692 chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; phối hợp với Đài Truyền thanh 6 huyện ven biển; Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh và Thể thao của 23 xã, thị trấn phát nội dung tuyên truyền vào các khung giờ cao điểm được 72 giờ; trao tặng 450 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân cho vươn khơi bám biển.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tiến hành niêm yết, công khai các văn bản có liên quan về chấp hành các quy định, thủ tục hành chính khi ra vào, hoạt động trong KVBG biển và các văn bản quy định phòng, chống khai thác IUU tại Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng, cảng cá, bộ phận một cửa các xã, thị trấn ven biển.
Phát huy hiệu quả mô hình "Tiếng loa Biên phòng", phát loa tuyên truyền tại khu vực đông dân cư, chợ, bến, bãi, cảng cá... Đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng bám phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà", tranh thủ thời gian tàu cập bến để phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền; trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý giúp các ngư dân, chủ phương tiện đã nắm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản trên biển, thấy được "bài toán được - mất" nếu không gỡ được "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu về hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam để họ tự giác chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong quá trình hành nghề trên biển.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, Cà Mau xác định công tác phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, thời gian qua, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai phòng, chống khai thác IUU, thực hiện tốt các khuyến nghị mà EC đã chỉ ra trong đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Cà Mau đã tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, nhất là các quy định về lắp đặt sử dụng thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá, tạo sự chuyển biến trên thực tế, kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm về chống khai thác IUU.
Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của cảng cá tư nhân, nhất là việc kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng tư nhân, nhật ký khai thác thủy sản... tổng hợp vào kết quả chung của tỉnh; rà soát, hướng dẫn chủ các bến cá tư nhân đủ điều kiện lập hồ sơ, thủ tục để trình cấp thẩm quyền công bố mở cảng theo quy định.
Ông Lê Văn Sử cho rằng, Cà Mau xác định công tác chống khai thác IUU không chỉ là đáp ứng các yêu cầu, quy định của Uỷ ban châu Âu mà còn là nỗ lực của tỉnh trong việc quản lý, khai thác thuỷ sản mang tính bền vững. Tỉnh xác định giải pháp lâu là rà soát, tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu.
Cạnh đó, là nghiên cứu tham mưu chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao chất lượng cuộc sống; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.
Văn DươngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.