Cà Mau: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023

Địa phương
02:40 PM 15/06/2023

Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau có Công văn Số 4414/UBND-NNTN gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, TP. Cà Mau về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023.

Công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nên từ đầu năm đến nay, thiên tai làm chìm 4 phương tiện, thiệt hại 61 căn nhà, sập 1 đáy hàng khơi, sạt lở trên 2.500m đất ven sông, vỡ trên 1.700m bờ bao, cùng một số thiệt hại khác, với tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 8 tỷ đồng.

Cà Mau chủ động, kịp thời ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023.

Cà Mau chủ động, kịp thời ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, mùa mưa tại các địa phương trong tỉnh chính thức bắt đầu từ ngày 8 - 13/5/2023; trong nửa đầu tháng 6/2023 có mưa nhiều nơi, có nơi có mưa vừa mưa to và dông, nửa cuối tháng, mưa giảm cả về diện và lượng; dông, lốc, sét xuất hiện trong thời kỳ đầu mùa mưa có cường độ mạnh, có khả năng gây ra những thiệt hại về người, tài sản và hoa màu; những tháng cuối năm tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường; có khoảng 12 - 15 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông (khoảng 4 - 7 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta)

Bên cạnh đó, cần đề phòng các hiện tượng thời hiểm như lốc, sét, gió giật, mưa lớn cục bộ... từ tháng 8/2023 mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch trong tỉnh bắt đầu lên cao và đạt giá trị cao nhất vào các tháng cuối năm, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trước tình hình trên, để chủ động, kịp thời ứng phó thiên tại trong mùa mưa bão năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu, hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời; thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 3294/UBND-NNTN ngày 9/5/2023 về việc tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó với thiên tai.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nhận định, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thiên tai trên địa bàn đến các sở, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Khẩn trương thực hiện phim tài liệu sạt lở bờ biển, bờ sông để phục vụ công tác tuyên truyền và cập nhật kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện. 

Ngoài ra, cần khẩn trương tham mưu rà soát, cập nhật, triển khai quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai đối với cấp huyện, xã, hoàn thành trong tháng 6/2023.

Phối hợp, đôn đốc các địa phương được UBND tỉnh thống nhất chủ trương lựa chọn làm điểm tổ chức tập huấn, huấn luyện năm 2023, khẩn trương triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo sẵn sàng vận hành hỗ trợ ứng phó thiên tai mùa mưa bão năm 2023; tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thi công các công trình ven biển, trên các đảo tăng cường các giải pháp an toàn cho người và phương tiện.

Song song đó, rà soát, cập nhật lịch thời vụ sản xuất ngư, nông nghiệp; khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch ứng phó với tình huống thiên tai cho từng đối tượng, từng vùng sản xuất. Trong đó, chú ý đảm bảo giữ ngọt phục vụ sản xuất vùng chuyên lúa, chống xâm nhập mặn vùng sản xuất lúa - tôm; hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi theo từng giai đoạn diễn biến của mùa mưa; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ, đúng quy định việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương và thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh đúng trình tự thủ tục theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo kiểm tra, rà soát các tuyến đường hư hỏng, có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng đến giao thông đi lại khi xảy ra thiên tai để chủ động sửa chữa, khắc phục, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, triển khai các phương án điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, cập nhật phương án bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra thiên tai và giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không để phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc ra biển hoạt động; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, người canh giữ đáy hàng khơi, lồng bè trên biển, hải đảo trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các quy định đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động khai thác, sản xuất trên biển.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, TP Cà Mau chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương; chủ động tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án, kịch bản được phê duyệt.

Tập trung chỉ đạo củng cố, đào tạo, tập huấn, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Lồng ghép nội dung phòng chống, thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các chương trình, hoạt động của địa phương. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động dự trữ vật tư chằng chống nhà, nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động ứng phó với thiên tai; vận động và di dời các hộ dân tại nơi có nguy cơ thiệt hại do thiên tai đến nơi an toàn; hướng dẫn người dân kiểm tra, chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước và thực hiện các giải pháp thích hợp khác nhằm phòng tránh thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, hoa màu khi xảy ra thiên tai.

Chỉ đạo sử dụng hiệu quả, kịp thời các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định, đặc biệt là nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai được phân cấp. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong khu vực được phân công thường xuyên kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.