Cà Mau: Tập trung khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu Bão số 2
Những ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu Bão số 2, trên địa bàn tỉnh Cà Mau ghi nhận nhiều thiệt hại. Theo thống kê, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 4 người bị thương, thiệt hại 347 căn nhà (sập 70 căn, tốc mái và hư hỏng 277 căn), nhiều cây xanh, trụ điện bị ngã, đổ, ước tổng thiệt hại gần 9,5 tỷ đồng.
Ngày 31/7, UBND tỉnh Cà Mau có Công văn hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Cà Mau và UBND huyện, TP Cà Mau về việc tập trung khắc phục thiên tai do ảnh hưởng hoàn lưu Bão số 2.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau theo dõi sát diễn biến thiên tai, không được chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong những ngày nghi, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả; đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để giảm thiểu tối đa thiệt hại và khắc phục nhanh nhất hậu quả do thiên tai gây ra; huy động mọi nguồn lực tập trung xử lý các vấn đề cấp bách trong và sau thiên tai theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và xã hội khẩn trương phối hợp với các đơn vị, đoàn thể, UBND huyện, TP Cà Mau rà soát danh sách các hộ dân có nhà ở bị thiệt hại do thiên tai, thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người bị thương, giúp nhân dẫn sớm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời thông báo đến các ngành, các cấp có liên quan về diễn biến thiên tai, cảnh báo nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra và biện pháp phòng tránh, ứng phó; tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi; trong trường hợp phát sinh thiệt hại về sản xuất, thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tại đúng trình tự thủ tục theo quy định; kiểm tra, vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục thiệt hại, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; khẩn trương rà soát, đối chiếu, đánh giá, thống kê thiệt hại, phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh thực hiện trình tự hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai theo quy định (nếu đảm bảo điều kiện).
Cũng trong ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 691/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ.
Công điện nêu rõ, những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân. Đặc biệt, ngày 30/7, trên Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới. Để khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn.
Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Văn Dương - Hồng ÂnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.