Gác kèo ong là nghề truyền thống đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhìn từ trên cao.
"Săn" mật ong rừng là cách gọi của những người thợ chuyên vào rừng lấy mật ong.
Vào những ngày đầu tháng 5, Phóng viên có dịp cùng nhóm thợ ong tiến vào khu rừng U Minh mênh mông tràm, sậy để bắt đầu cuộc "săn" mật ong rừng. Sau khi cặp chiếc vỏ lãi vào bờ, chúng tôi đi len lỏi qua các đám sậy khoảng 10m, điểm dừng chân của chúng tôi là một tổ ong mật khá to với chiều dài 1,2m, cao khoảng 0,6m.
Nghệ nhân bắt đầu đốt đuốc cho khói tỏ ra, đưa gần tổ ong, ong bắt đầu túa ra. Hành trình "săn" mật ong chính thức bắt đầu.
Theo một nghệ nhân "săn" cho biết, anh chỉ cần nhìn vào tổ ong là biết được tổ nào nhiều hay ít mật.
Mỗi tổ ong ở rừng U Minh trung bình cho từ 1 đến 3 lít mật. Nghề gác kèo ong ở U Minh các nghệ nhân thường gác kèo dài hơn và có tổ ông dài 1,5m; cao hơn 0,7m có tới 12 đến 15 lít mật.
"Ong rừng hút nhiều loại phấn hoa trên rừng, mật thơm ngon, người ta chuộng hơn bởi tác dụng bồi bổ sức khỏe của nó".
Với giá từ 800 - 1 triệu đồng/lít thì nghề này mang lại lợi ích kinh tế rất cao. Song, những người chuyên đi "săn mật ong rừng" cũng phải đối mặt với muôn vàn rủi ro, rình rập...
Sau hơn 15 phút, nghệ nhân đã hoàn thành cuộc đi "săn" mật ong rừng của mình bằng tổ ong mật nặng hơn 15kg, với chiều dài 1,2m; chiều cao 0,6m và cho hơn 10 lít mật.
Nghề săn mật ong rừng đã và đang mang lại một nguồn thu đáng kể cho người dân vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Sau mỗi đợt "săn" mật ong thành công, những người thợ đều phải làm lễ cúng để báo với thần rừng việc họ đã đến đây "săn" mật. Thủ tục "cúng rừng" khá đơn giản, người thợ chỉ cần đặt toàn bộ mật vừa "săn" được, khấn vài lần rồi vãi ít mật xuống đất ngụ ý để mời thần nếm trước.
Mật ong thường làm thuốc bổ cho người lớn và trẻ em, chữa bệnh loét dạ dày và ruột, an thần, chữa nhức đầu và một số bệnh thần kinh, ho khan, viêm họng, lở miệng, vết thương bỏng...
Du khách trải nghiệm làm thợ "săn" mật ong và thưởng thức hương vị mật ong rừng tại rừng tràm.
Ngày 29/4, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã xác lập Kỷ "Tổ ong mật lớn nhất Việt Nam" của nghề gác kèo ong, đồng sở hữu của 2 đơn vị UBND huyện U Minh và Công ty TNHH MTV Mười Ngọt.
Văn Dương (thực hiện)