Cá ngừ Việt Nam vượt khó để tăng trưởng
Dự báo, xuất khẩu Cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng còn lại năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì các nhà nhập khẩu đang muốn đi trước đón đầu.
Dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng còn lại năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì các nhà nhập khẩu đang muốn đi trước đón đầu chuẩn bị cho các lô hàng nhập khẩu vào đầu năm 2021 để được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo Hiệp định định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Sự tăng trưởng này được xem như thay thế cho một số thị trường bị ách tắc do dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2020, sự bùng nổ nhu cầu đối với cá ngừ đóng hộp đã khiến Đức tăng nhập khẩu từ bên ngoài. Khối lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tính tổng 9 tháng đầu năm 2020, Đức đã nhập khẩu 79.483 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trung bình nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, đạt 3.909 EUR/tấn.
Nguyên nhân do nguy cơ tái bùng dịch bệnh Covid-19 lần 2 tại Đức đang khiến nhu cầu dự trữ thực phẩm bảo quản như cá ngừ đóng hộp.. của người Đức tăng lên.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 5 cho thị trường Đức, chiếm khoảng 5% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này trong 9 tháng đầu năm nay.
Còn tại thị trường EU, Hội đồng châu Âu đã nhất trí tăng mức hạn ngạch ATQ đối với loin cá ngừ (phần thịt ngon nhất ngay sống lưng) hấp đông lạnh được miễn thuế nhập khẩu vào khối thị trường này trong 3 năm tới lên 35.000 tấn/năm.
Điều này có nghĩa các nhà sản xuất EU có thể được miễn thuế nhập khẩu thêm 5.000 tấn loin cá ngừ mỗi năm.
Trong khi đó, sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam như: Phi lê cá ngừ, loin cá ngừ, cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ đóng hộp,... hiện đã có mặt ở hơn 200 thị trường trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 72 triệu USD, tổng xuất khẩu cá ngừ trong 11 tháng năm 2020 là gần 600 triệu USD. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với hơn 260 triệu USD. Tiếp đó là thị trường châu Âu với hơn 126 triệu USD.
Thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á đạt hơn 68 triệu USD. Tuy nhiên, một số thị trường khác gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cá ngừ nên giảm nhập khẩu, trong đó có thị trường Ai Cập và Trung Đông.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập là hơn 14 triệu USD, chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông - châu Phi.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Đối mặt với các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19, nhiều quốc gia hầu như đóng cửa giao thương thương mại, bao gồm cả nông sản và thực phẩm. Thế nhưng, ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã cố gắng để việc xuất khẩu sản phẩm cá ngừ không bị ách tắc.
Tính tổng 11 tháng của năm 2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt hơn 126 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính trong khối EU là Italy, Đức và Tây Ban Nha đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 60%, 20% và 41%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu tiếp tục tác động tích cực tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các ưu đãi thuế quan mà hiệp định này mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, nhờ đó xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục tăng trưởng tốt.
Hoàng Mai (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.