Cả nước có 2.268 km đường bộ cao tốc, hướng tới mục tiêu 3.000 km trong năm 2025
Theo Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, việc hoàn thành đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc thuộc danh mục dự án Ban Chỉ đạo đã nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.163 km (trước năm 2021) lên 2.268 km.
Ngày 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 49 tỉnh, thành đang triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ, hiện nay các dự án thuộc Ban Chỉ đạo gồm 37 dự án/95 dự án thành phần, trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, đến nay nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, tiến độ thi công các dự án chuyển biến rõ rệt, đặc biệt 19 dự án, dự án thành phần đã đưa vào khai thác.
Trong đó, nổi bật là hoàn thành đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc thuộc danh mục dự án Ban Chỉ đạo, nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.163 km (trước năm 2021) lên 2.268 km, đưa vào khai thác tuyến đường kết nối và nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đang triển khai thi công 52 dự án, dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược xuyên suốt ba nhiệm kỳ và được tiếp tục xác định trong các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV. Giao thông không chỉ kết nối con người, vùng miền, quốc gia và quốc tế mà còn giảm chi phí sản xuất, logistics và mở rộng không gian phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực chiếm tỷ trọng đầu tư lớn. Trong năm nay, mục tiêu là đưa tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đạt 3.000km và có ít nhất 1.000km đường ven biển.
Đặc biệt, tập trung bàn sâu vào việc thúc đẩy triển khai xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, quyết tâm khởi công trong năm 2025 để kết nối đường sắt Việt Nam với Trung Quốc, Trung Á, châu Âu; thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông trên tinh thần "chỉ bàn làm không bàn lùi".
Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phải nêu cao ý thức chấp hành, thái độ với công việc và kết quả, hiệu quả làm việc, Thủ tướng chỉ rõ các thành viên Ban Chỉ đạo phải "nói thật, làm thật, hiệu quả thật, tránh bệnh hình thức"; tập trung đánh giá, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình, dự án.
Đặc biệt, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát các vấn đề về vật liệu xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; Bộ Tài chính rà soát vấn đề giải ngân; Bộ Xây dựng rà soát, thúc đẩy các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng…
Huyền My (t/h)
Việc Emirates – hãng hàng không lớn nhất thế giới chính thức mở đường bay đến Đà Nẵng và ký hợp tác với tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á - Sun Group, sẽ mở ra hàng loạt cơ hội chiến lược cho ngành du lịch Việt Nam.