Cả nước có hơn 77% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) được phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đó là thông tin tại Hội nghị trực tuyến Đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 23/10.
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến tháng 9; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến hết năm 2024, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn NTM. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Cả nước, có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo số liệu báo cáo, đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79 - 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao; đạt 99% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025).
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến hết tháng 6/2024, cả nước đã huy động được trên 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 297.459 tỷ đồng (chiếm 10,5%); vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác khoảng 204.230 tỷ đồng (chiếm 7,2%); vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đến 30/6/2024) khoảng 2.057.982 tỷ đồng (chiếm 72,9%); vốn doanh nghiệp khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,4%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 4,0%).
Đáng chú ý, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp) năm 2024 (bao gồm các nguồn vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024) đạt rất thấp.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao (trong đó, vốn kéo dài từ các năm trước giải ngân đạt 23,3%, kế hoạch vốn giao năm 2024 giải ngân đạt 49%), tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm). Có 31 địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp dưới 20%. Còn 3/16 tỉnh chưa phân bổ hết vốn đầu tư phát triển (nguồn vốn nước ngoài) thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.