Cả nước đã khai thác hơn 2.000km đường bộ cao tốc

Tài chính - Đầu tư
10:31 AM 05/07/2024

6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt. Về đường bộ, số km cao tốc trên cả nước được nâng lên hơn 2000km.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt. Trong đó, 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau trong năm 2025. Tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng.

Về lĩnh vực đường bộ, một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng; đã lựa chọn được Nhà đầu tư 5/8 trạm dừng nghỉ; đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30/6 vừa qua, đã kịp thời đưa vào khai thác 19km còn lại đoạn từ Quốc lộ 46B đến Bãi Vọt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2000km.

Cả nước đã khai thác hơn 2.000km đường bộ cao tốc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thi công bảo đảm tiến độ 6 dự án đường sắt giai đoạn 2021-2025, đã duyệt dự án và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đối với 1 dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 và 1 dự án ODA, 2 dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang được tập trung tháo gỡ, dự kiến tuyến Nhổn-Ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác trong tháng 7/2024, tuyến Bến Thành-Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.

Bộ cũng đã giao Ban quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng, Vành đai phía đông Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu-Thủ Thiêm-Long Thành, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân, giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vũng Áng-Mụ Giạ.

Với lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, các dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải và dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực nam Nghi Sơn, Thanh Hóa thi công bảo đảm tiến độ; đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn; dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam.

Về lĩnh vực hàng không, gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang thi công vượt tiến độ so với hợp đồng. Dự án T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.