Cà phê đại chiến Starbucks vs Dunkin’ Donuts: Người sang chảnh, kẻ bình dân, nhưng hễ marketing lại cà khịa nhau cực khét

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:13 AM 23/09/2021

Ít ai biết rằng khi Starbucks mới thành lập, họ không phải là đối thủ của Dunkin’ Donuts bởi Dunkin’ Donuts lúc đó chỉ phục vụ sản phẩm chủ yếu là bánh donut.

Starbucks và Dunkin’ Donuts là hai gã khổng lồ cà phê đều ra đời tại Mỹ và đã cạnh tranh khốc liệt với nhau suốt hàng chục năm qua ở thị trường quê nhà. Trong khi Dunkin’ Donuts định vị thương hiệu bình dân và thân thiện với mọi khách hàng thì Starbucks lại xây dựng hình ảnh là chuỗi cà phê cao cấp hơn.

Đến nay, Starbucks có tổng cộng hơn 32.000 cửa hàng còn Dunkin’ Donuts có hơn 11.300 cửa hàng trên toàn thế giới. Cả hai thương hiệu đều cung cấp các lựa chọn cà phê gần giống nhau cũng như có chiến lược tổng thể như nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt chính trong mô hình kinh doanh của họ, dẫn tới chênh lệch đáng kể về sự thành công.

[Bài 23/9] Đại chiến Starbucks vs Dunkin’ Donuts: 1 hãng ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng vượt mặt đàn anh, cả 2 làm marketing không quên cà khịa nhau cực ‘khét’ - Ảnh 1.

Dù thành lập sau Dunkin’ Donuts 20 năm nhưng Starbucks đã phát triển mạnh mẽ và vượt mặt "đàn anh". Năm ngoái, doanh thu của Starbucks là hơn 23,5 tỷ USD trong khi con số này của Dunkin’ Donuts chỉ là gần 300 triệu USD.

Ít ai biết rằng khi Starbucks mới thành lập, họ không phải là đối thủ của Dunkin’ Donuts bởi Dunkin’ Donuts lúc đó chỉ phục vụ sản phẩm chủ yếu là bánh donut. Nhưng đến thập niên 90, Dunkin’ Donuts dần lấn sân sang mảng cà phê và cho ra đời nhiều sản phẩm mới vài năm sau đó để thu hút thêm khách hàng.

Năm 2006, Dunkin’ Donuts chính thức tuyên bố trở thành đối thủ trực tiếp của Starbucks trên "mặt trận" cà phê. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh đến nay dường như cho thấy rằng họ đã hụt hơi trước đối thủ "sinh sau đẻ muộn" của mình.

Dưới đây là một số khác biệt giữa Starbucks và Dunkin’ Donuts:

Starbucks

Các địa điểm của Starbucks được thiết kế với mục đích tạo sự thoải mái và trải nghiệm cao cấp cho khách hàng. Truy cập Internet miễn phí, trang trí đẹp mắt đồng nghĩa với việc Starbucks là một lựa chọn hấp dẫn cho những người tìm nơi để thư giãn, gặp gỡ bạn bè hay thậm chí là bàn chuyện làm ăn. Một trong những điều tuy nhỏ nhưng ghi điểm lớn của Starbucks là mỗi cốc đồ uống sẽ được viết tên của khách hàng để dễ nhận biết và tạo điểm nhấn.

[Bài 23/9] Đại chiến Starbucks vs Dunkin’ Donuts: 1 hãng ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng vượt mặt đàn anh, cả 2 làm marketing không quên cà khịa nhau cực ‘khét’ - Ảnh 2.

Thông thường, khách hàng của Starbucks có thu nhập tương đối cao và sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm tại đây. Starbucks có nền tảng vững chắc là những khách hàng có tiền, ít nhạy cảm với giá cả. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khách hàng thu nhập thấp là những người thường dễ thay đổi thói quen chi tiêu hơn người có thu nhập cao.

Ngoài cà phê, Starbucks đã chuyển trọng tâm sang những sản phẩm dành cho khách hàng vào buổi chiều và tối nhiều hơn, bao gồm sandwich, rượu và bia.

Dunkin’ Donuts

Hiện nay, ngoài cà phê và bánh donut, Dunkin’ Donuts còn bán một số loại đồ ăn khác. Dù là một công ty cà phê nhưng đồ ăn vẫn là một yếu tố quan trọng trong menu của hãng.

[Bài 23/9] Đại chiến Starbucks vs Dunkin’ Donuts: 1 hãng ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng vượt mặt đàn anh, cả 2 làm marketing không quên cà khịa nhau cực ‘khét’ - Ảnh 3.

Họ phục vụ nhiều loại sandwich ăn sáng ngon lành. Vài năm gần đây, Dunkin’ Donuts tăng cường thêm nhiều món ăn phi truyền thống trong menu như bít tết. Từ năm nay, menu của Dunkin’ Donuts đã có thêm một số lựa chọn lành mạnh hơn cho sức khỏe như bánh mì nướng với quả bơ.

Về giá cả, Dunkin’ Donuts có giá cạnh tranh hơn, tập trung chủ yếu vào tầng lớp trung lưu. Nội thất của các cửa hàng được thiết kế giống nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh, điểm khác biệt về mặt thẩm mỹ so với Starbucks.

Gần như tất cả các cửa hàng của Dunkin’ Donuts đều là nhượng quyền thương mại trong khi hơn 90% các chi nhánh Starbucks đều do tổng công ty sở hữu.

Tuy có dấu ấn đáng kể ở thị trường nước ngoài nhưng nhiều cơ sở của Dunkin’ Donuts chỉ là cửa hàng kem Baskin-Robbins chứ không phải cửa hàng cà phê và bánh donut. Doanh thu quốc tế của Dunkin’ Donuts chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tổng doanh thu, trong khi 26% doanh thu của Starbucks được tạo ra bên ngoài nước Mỹ.

Ngoài những khác biệt trên, cách làm marketing của Starbucks và Dunkin’ Donuts cũng không giống nhau. Danh tiếng của Starbucks có được phần lớn là nhờ marketing truyền miệng trong khi Dunkin’ Donuts nổi tiếng nhờ mạnh tay chi tiền cho quảng cáo.

Cả hai bên cũng từng có một số màn "cà khịa" nhau thông qua quảng cáo. Năm 2009, Starbucks tung quảng cáo không "chỉ mặt đặt tên" nhưng ai cũng biết là ám chỉ Dunkin’ Donuts. Cụ thể, quảng cáo của hãng khuyên người tiêu dùng: "Hãy cẩn thận với cà phê rẻ tiền. Cái gì cũng có giá của nó". Để đáp lại, Dunkin’ Donuts đã gọi thẳng tên Starbucks: "Bạn bè tốt là người không để bạn mình uống Starbucks". Thậm chí, hãng còn in câu nói này lên áo phông và bán rất chạy.

[Bài 23/9] Đại chiến Starbucks vs Dunkin’ Donuts: 1 hãng ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng vượt mặt đàn anh, cả 2 làm marketing không quên cà khịa nhau cực ‘khét’ - Ảnh 4.

Những năm gần đây, hai công ty đều tích cực áp dụng công nghệ trong việc nhận đơn đặt hàng và giao hàng. Họ cũng tích cực hoạt động trên các mạng xã hội lớn để tăng tương tác cũng như thu hút thêm khách hàng.

Nguồn: Investopedia, FN, Statista

Mộc Tiên
Ý kiến của bạn