Cà phê đạt mức giá cao kỷ lục lịch sử trong 30 năm qua
Cà phê Việt Nam vừa có một niên vụ xuất khẩu thắng lợi chưa từng có, nhiều kỷ lục lịch sử được thiết lập. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao kỷ lục lịch sử trong 30 năm qua.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 10/2024 ước đạt 50.000 tấn, giá trị đạt 292,7 triệu USD; đưa tổng khối lượng cà phê 10 tháng năm nay đạt gần 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD. Mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% nhưng giá trị lại tăng vọt 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao kỷ lục lịch sử trong 30 năm qua kể từ khi cà phê Việt tham gia thị trường thế giới.
Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua, với thị phần lần lượt là 11,2%, 8,2%, và 7,9%. Xuất khẩu cà phê tăng trưởng ở tất cả các thị trường trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất là Philippines và Malaysia với cùng mức tăng 2,2 lần, và tăng thấp nhất ở thị trường Bỉ với mức tăng 5,2%.
Hiện vừa kết thúc niên vụ cà phê 2023-2024, và bước đầu vào niên vụ cà phê 2024-2025. Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2023-2024 (tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 10/2024), Việt Nam đã xuất khẩu 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% so với niên vụ trước đó. Lượng cà phê xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD.
Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê trong một niên vụ cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng cao là động lực chính để xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc nói trên.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho hay năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê. Lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng đứng đầu thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica.
Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng liên tục. Cụ thể, tháng 1, cà phê của nước ta có giá xuất khẩu chỉ 3.054 USD/tấn, đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn. Có nghĩa là, trong vòng 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng tới 91,7%.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân khiến giá xuất khẩu cà phê Robusta cao hơn giá cà phê giá cà phê Arabica của Brazil (trong khi từ trước tới nay, cà phê Robusta thường chỉ xuất khẩu được giá chỉ bằng một nửa giá cà phê Arabica), ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng do quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) nêu rõ, từ ngày 30/12, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường này nếu không chứng minh được sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ, tính hiệu lực của quy định EUDR được lùi lại tới tháng 7/2025. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng bởi quy định này trong nửa đầu năm 2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang tích cực thu mua cà phê.
Bên cạnh những kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới.
Theo Hiệp hội Cà phê - Cao cao Việt Nam, vụ thu hoạch cà phê mới đã bắt đầu từ ngày 1/11, dự báo, lượng cà phê xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ phục hồi do cả cung và cầu dịp cuối năm tăng lên.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.