Cà phê hòa tan Hàn Quốc bất ngờ tạo "cơn sốt"

Quốc tế
03:03 PM 05/08/2024

Thông qua phim ảnh, cà phê hòa tan của Hàn Quốc đã tạo nên "cơn sốt" cả ở trong nước và thế giới.

Vào ngày hè oi ả tại chợ trời Dongmyo ở Seoul (Hàn Quốc), nhiều người vẫn xếp hàng để mua cốc cà phê sữa đá có giá 1.000 won, đắt gấp 3 lần cà phê ở những nơi khác.

Cà phê hòa tan Hàn Quốc bất ngờ tạo "cơn sốt"- Ảnh 1.

Nhiều người xếp hàng mua cà phê sữa đá tại Chợ trời Dongmyo ở Seoul, Hàn Quốc

Loại đồ uống lạnh này được pha nhanh từ hỗn hợp cà phê, kem và đường hòa tan. Chúng được bán trong những chiếc cốc giấy, bên cạnh những loại đồ uống Hàn Quốc truyền thống khác như misugaru (làm từ bột ngũ cốc hỗn hợp rang), hay nước gạo sikhye.

Sau khi mua được đồ uống, 2 học sinh trung học Lee Min-ha và Baek Hyun-ji (18 tuổi), nhanh chóng núp vào bóng râm của ngôi đền Dongmyo gần đó để nhâm nhi và giải nhiệt.

“Thật sảng khoái!”, Lee nói, trong khi Baek mô tả thức uống này vừa rẻ vừa ngon.

Bên cạnh chấp niệm với cà phê Americano đá, loại cà phê hòa tan đơn giản này (coffee mix) cũng đang ngày càng trở nên phổ biến và tạo "cơn sốt" cả trong và ngoài Hàn Quốc, nhờ xuất hiện trên các bộ phim truyền hình.

Trong Moving - bộ phim truyền hình siêu anh hùng năm 2023, từng giành giải thưởng tại Lễ trao giải nghệ thuật Baeksang lần thứ 60 - chuyện tình lãng mạn giữa các nhân vật do diễn viên Jo In Sung và Han Hyo Joo đóng diễn ra bên cạnh máy bán cà phê hòa tan tự động.

Trước đó, năm 2021, trong phim Vincenzo, nhân vật do Song Joong Ki đóng lớn lên ở Italy. Anh say mê cà phê hòa tan ngay khi thử uống lần đầu tiên ở Hàn Quốc.

Còn ở bộ phim truyền hình My Mister năm 2018 - có sự tham gia của ca sĩ IU và cố diễn viên Lee Sun Kyun - nhân vật do IU đóng được khắc họa nghèo khó, phải dựa vào cà phê pha sẵn để xua tan cơn đói.

Theo Straits Times, những gói hỗn hợp cà phê, đường và kem (3 trong 1) này được giới thiệu từ năm 1976 bởi Dongsuh Foods - công ty Hàn Quốc nổi tiếng nhất với cà phê hòa tan Maxim.

Chúng trở thành mặt hàng chủ lực trong các tủ đồ ăn ở văn phòng tại Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - khi nhiều công ty buộc phải cắt giảm nhân sự và những nhân viên còn lại phải làm việc nhiều giờ hơn cần đến giải pháp caffeine nhanh chóng, dễ dàng.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu cà phê hỗn hợp hòa tan của Hàn Quốc đã tăng vọt từ 23 tỷ won vào năm 2020 lên 42,4 tỷ won vào năm 2023, tăng 84%. Các thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng là Maxim và Kanu của Dongsuh Foods.

Mặc dù thống lĩnh thị trường trong nước, Dongsuh Foods không thể xuất khẩu sản phẩm cà phê của mình do vướng điều khoản không cạnh tranh trong thỏa thuận hợp tác liên doanh với công ty thực phẩm Mỹ Mondelez International.

Vì vậy, sản phẩm cà phê Maxim và Kanu chỉ được bán ra nước ngoài thông qua đại lý bán lẻ.

Điều này tạo điều kiện cho hai thương hiệu khác là Ediya Coffee và Namyang Dairy tạo nên tiếng vang với sản phẩm cà phê hòa tan của mình ở nước ngoài.

Ediya Coffee - chuỗi cà phê lớn nhất Hàn Quốc với hơn 3.800 cửa hàng - bắt đầu xuất khẩu sản phẩm vào năm 2021 và đã mở rộng sang 19 quốc gia bao gồm Mông Cổ, Trung Quốc, Australia và New Zealand.

Thương hiệu French Cafe của Namyang Dairy đạt doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 12% vào năm 2023, thu về 4,6 tỷ won.

Điều này chứng minh, sản phẩm hòa tan của Hàn Quốc đang rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.

Hàn Quốc tuy không trồng cà phê nhưng đây lại là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, vào năm 2023, mỗi người trưởng thành ở Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 400 cốc cà phê, so với mức tiêu thụ trung bình toàn cầu là 152 cốc.

Hiện nay, Hàn Quốc có hơn 100.000 quán cà phê. Điều này có nghĩa việc mua một tách cà phê thậm chí còn dễ dàng hơn việc mua đồ ở cửa hàng tiện lợi.

Tiến sĩ Yee Ji Sun - nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc chuyên về văn hóa Triều Tiên - cho biết cà phê hòa tan trở nên phổ biến ngay cả với những công nhân Triều Tiên tại Khu công nghiệp Kaesong. Khu phức hợp này từng được Triều Tiên - Hàn Quốc cùng hợp tác vận hành từ năm 2004 đến năm 2016.

An Mai (lược dịch/theo Straits Times)
Ý kiến của bạn