Cà phê xuất khẩu sang thị trường Hà Lan tăng 105,7% về giá trị
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan tăng trưởng mạnh đạt 105,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hiện Việt Nam cũng là nguồn cung ngoại khối lớn thứ 2 cho Hà Lan.
Tính riêng tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt 4,1 nghìn tấn, trị giá 10,11 triệu USD, tăng 24,1% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 110,3% về lượng và tăng 136,6% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan đạt 7,42 nghìn tấn, trị giá 18,77 triệu USD, tăng 93,1% về lượng và tăng 105,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá xuất khẩu, tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt mức 2.461 USD/ tấn, giảm 4,8% so với tháng 1/2023, nhưng tăng 12,5% so với tháng 2/2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt mức 2.517 USD/tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, giai đoạn 2017 – 2021, nhập khẩu cà phê của thị trường Hà Lan từ thế giới tăng trưởng bình quân 1,01%/năm tính theo lượng và tăng 0,34%/năm tính theo trị giá, từ 261,1 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ EUR năm 2017 lên xấp xỉ 262 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ EUR năm 2021.
Năm 2022, nguồn cung cà phê cho Hà Lan chủ yếu từ thị trường nội khối EU, trong đó, thị trường cung cấp cà phê cho Hà Lan chủ yếu từ Bỉ, Đức, Pháp, Phần Lan, Italia. Nhập khẩu cà phê của Hà Lan từ thị trường ngoại khối EU cũng tăng trưởng 2 con số. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung ngoại khối lớn thứ 2 cho Hà Lan.
Hà Lan hiện đứng thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ cà phê. Tổng giá trị tiêu thụ cà phê tại Hà Lan khoảng 3,5 tỷ euro mỗi năm. Đặc biệt, Hà Lan là cửa ngõ quan trọng trên thế giới với lượng cà phê nhập khẩu và tái xuất sang các nước khác trong khu vực.
Các chuyên gia nhận định, đối với các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, muốn thâm nhập thị trường châu Âu, Hà Lan chính là bước khởi đầu đúng đắn và thuận lợi để mở rộng thị trường sau này.
Tuy nhiên xuất khẩu cà phê cần đảm bảo chất lượng và những yêu cầu khắt khe từ thị trường Hà Lan và châu Âu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, cung cấp các hạt cà phê sạch, đáp ứng chất lượng và các chỉ số mà thị trường mục tiêu yêu cầu. Tìm hiểu kỹ thị trường Hà Lan, về nhu cầu người tiêu dùng, logistics, hệ thống phân phối,… để đáp ứng đúng và đủ theo quy định.
Trước đó, trong tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta sang Hà Lan đạt 2,53 nghìn tấn, trị giá 5,02 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2022, nhưng tăng mạnh 60,6% về lượng và tăng 56,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cà phê Arabica sang Hà Lan đạt 709 tấn, trị giá 2,97 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 26,5% về trị giá so với tháng 12/2022, nhưng so với tháng 1/2022 tăng mạnh 310,4% về lượng và tăng 251,1% về trị giá.
Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 4 tỷ USD.
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.