Cá tra Việt Nam kỳ vọng tăng sản lượng, khối lượng xuất khẩu và giá trị vào năm 2025

Xuất nhập khẩu
08:29 AM 19/02/2025

Nhờ giá cả hấp dẫn và bối cảnh thương mại ngày càng có lợi, ngành cá tra Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng sản lượng, khối lượng XK và giá trị vào năm 2025.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang là top 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Theo thống kê, riêng tháng 12/2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt gần 28 triệu USD, tăng 40% so với tháng 12/2023. Lũy kế cả năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đem về 345 triệu USD, tăng 27% so với năm 2023.

Các chuyên gia nhận định, năm 2025, rất có thể nhập khẩu cá tra Việt Nam của Hoa Kỳ sẽ tăng vọt khi 2 bên đã đã ký thỏa thuận song phương về việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá phile xuất khẩu từ Việt Nam. Cùng với đó, việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu cá tra Việt Nam ổn định hơn sang thị trường này.

Để nâng cao sản lượng vào năm 2025, Việt Nam cần phải chú trọng vào nhiều mặt, bao gồm các chương trình nhân giống để lựa chọn và cải thiện chất lượng cá tra bố mẹ tập trung vào các đặc điểm như khả năng chịu mặn và kháng bệnh, nhằm cung cấp cá bột khỏe mạnh có thể thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của chúng.

Cá tra Việt Nam kỳ vọng tăng sản lượng, khối lượng xuất khẩu và giá trị vào năm 2025- Ảnh 1.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng 5-10% trong năm 2025. Ảnh: Internet

Trong bối cảnh thương mại mới của toàn cầu, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng năng lực sản xuất và chế biến cá tra. Mặc dù chất lượng sản phẩm của họ có thể chưa theo kịp sự nhất quán của Việt Nam, nhưng họ đang thâm nhập vào các phân khúc thị trường cụ thể thông qua các chiến lược cạnh tranh về giá. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với thị phần của Việt Nam, đặc biệt là ở các điểm đến XK chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và các nước hợp tác vùng Vịnh.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, hiện nay, Việt Nam chiếm khoảng 42% tổng sản lượng cá tra toàn cầu, trong khi các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh đóng góp từ 15% đến 21%. Đáng chú ý, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam - đang có những bước đi chiến lược trong chuỗi cung ứng nội địa. Trong khi đó, Ấn Độ đang đẩy mạnh sản xuất, dù kích thước cá chủ yếu nhỏ và chỉ phục vụ thị trường nội địa. Indonesia, mặc dù sản lượng thấp hơn, đã thành công trong việc XK sang Trung Đông với thương hiệu riêng, từng bước nâng cao danh tiếng.

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, xuất khẩu cá tra có thể được hưởng lợi từ mức thuế quan cao hơn của Hoa Kỳ đối với cá rô phi Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu dường như cũng nhìn nhận vấn đề theo hướng này, khi nhiều công ty đã bắt đầu hoặc đang cân nhắc về việc chế biến cá rô phi.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu cá tra có thể tăng 5 - 10% vào năm 2025 trong khi các sản phẩm cạnh tranh từ Nga và Trung Quốc phải đối mặt với các yếu tố bất lợi.

Sự tăng trưởng trên có thể đến từ các nguyên nhân như: Lòng tin của người tiêu dùng tốt hơn. Cùng với đó là các yếu tố đến từ diễn biến mới từ thương mại của thế giới, các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE được ký kết vào năm 2024 sẽ tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường UAE. Thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra Việt Nam thấp hơn so với các nước khác. Giá thức ăn thủy sản đang có xu hướng giảm

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
CIEM: Kinh doanh nền tảng đóng góp khoảng 10% trong GDP Việt Nam CIEM: Kinh doanh nền tảng đóng góp khoảng 10% trong GDP Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế số nói chung và kinh doanh nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.