Các biện pháp chống dịch bạch hầu

Sức khỏe
12:46 PM 19/08/2020

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3593/QĐ-BYT “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”. Khuyến cáo mọi người, phải tiến hành các biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện ca nghi ngờ đầu tiên.

Cụ thể:

1. Đối với bệnh nhân

- Tất cả bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân có thể phải được cho đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Tiến hành điều trị đặc hiệu ngay kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.

- Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định trước khi bệnh nhân được sử dụng kháng sinh.

- Các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kể cả người lành mang trùng phải được đeo khẩu trang, cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo đúng "Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh bạch hầu" (Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ Y tế).

2. Đối với người tiếp xúc gần

Lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần. Tổ chức cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe người tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh. Hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

- Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần để xét nghiệm.

3. Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch

- Nhà bệnh nhân và các hộ liền kề xung quanh; nhà trẻ, lớp học, cơ quan, đơn vị … nơi có liên quan đến bệnh nhân phải được khử trùng bằng cách lau hoặc phun nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà với dung dịch khử trùng có chứa 0,1% clo hoạt tính. Phun khử trùng các khu vực khác như khu bếp, nhà vệ sinh, xung quanh nhà …bằng dung dịch khử trùng chứa 0,1% clo hoạt tính. Phun vừa đủ ướt bề mặt cần xử lý. Số lần phun sẽ căn cứ vào tình trạng ô nhiễm thực tế tại ổ dịch để quyết định.

- Quần áo, chăn, màn, ga, gối, đệm của bệnh nhân cần đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. Bát, đũa, thìa cốc, đồ chơi của bệnh nhân phải dùng riêng, tốt nhất luộc nước sôi sau khi sử dụng hoặc đem phơi nắng dưới ánh nắng mặt trời.

- Chăn, màn, quần, áo, ga, gối, đệm của các hộ gia đình trong ổ dịch nên đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.

- Thực hiện vệ sinh thông khí tại hộ gia đình: thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông khí thoáng cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, lớp học hàng ngày.

- Hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong khu vực ổ dịch.

Vi khuẩn bạch hầu dưới kính hiểu vi điện tử. Ảnh: St

Vi khuẩn bạch hầu dưới kính hiểu vi điện tử. Ảnh: St

4. Sử dụng kháng sinh dự phòng trong ổ dịch

- Dùng kháng sinh dự phòng cho tất cả người tiếp xúc gần và những người có liên quan dịch tễ trong ổ dịch càng sớm càng tốt, chỉ định tùy theo từng người bệnh:

+ Tiêm bắp 1 liều duy nhất Benzathine penicillin: Trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 đơn vị; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 đơn vị.

+ Hoặc uống Azithromycin trong 7 ngày: Trẻ em 10-12mg/kg 1 lần/ngày, tối đa 500mg/ngày; người lớn: 500mg/ngày, trong 7 ngày.

+ Hoặc uống Erythromycin trong 7 ngày: Trẻ em 40mg/kg/ngày, chia 4 lần cách nhau 6 giờ; người lớn 1g/ngày, chia 4 lần cách nhau 6 giờ.

5. Tổ chức tiêm vắc xin chống dịch trong ổ dịch và các khu vực lân cận càng sớm càng tốt

Tuỳ theo kết quả điều tra dịch tễ và đặc điểm từng ổ dịch để quyết định phạm vi, đối tượng, lứa tuổi cần tiêm vắc xin chống dịch. Lựa chọn loại vắc xin sử dụng cho từng nhóm đối tượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều).

Tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, thực hiện tiêm vắc xin Bạch hầu theo hướng dẫn tại Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

5.1. Tiêm vắc xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib)

- Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi: tại thời điểm triển khai nếu chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin thì sẽ tiêm 01 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib trong chiến dịch này nếu mũi tiêm trước đó cách từ 1 tháng trở lên. Tiêm các mũi còn lại trong tiêm chủng thường xuyên cho đủ 3 mũi cơ bản.

- Trẻ từ 13-18 tháng tuổi:

+ Nếu chưa được tiêm đủ 03 mũi vắc xin thì sẽ tiêm bù 01 mũi DPT-VGB-Hib trong chiến dịch này và tiêm các mũi còn lại trong tiêm chủng thường xuyên.

+ Nếu trẻ đã tiêm đủ 03 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib thì sẽ tiêm 1 mũi DPT-VGB-Hib trong đợt này và không cần tiêm DPT lúc 18 tháng trong tiêm chủng thường xuyên.

Lưu ý: đối với nhóm trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi nếu gia đình không nhớ hoặc không có bằng chứng về tiêm chủng thì COI NHƯ CHƯA TIÊM và sẽ phải tiêm đầy đủ các mũi vắc xin DPT-VGB-Hib theo lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

5.2. Tiêm vắc xin DPT: 

Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi nếu chưa được tiêm đủ 04 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib trước đó thì sẽ tiêm 01 mũi DPT trong chiến dịch này.

Lưu ý : đối với nhóm trẻ từ 19 tháng đến 48 tháng tuổi nếu không nhớ hoặc không có bằng chứng về tiêm chủng thì COI NHƯ CHƯA TIÊM và sẽ phải tiêm 2 mũi vắc xin DPT cách nhau 1 tháng trong chiến dịch này. Tiếp tục tiêm mũi 3 cách mũi 2 là 6 tháng trong tiêm chủng thường xuyên nếu ở thời điểm tiêm mũi 3 trẻ vẫn dưới 48 tháng tuổi.

Không được tiêm vắc xin DPT cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên vì những tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là gây co giật có thể xảy ra ở trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên (vắc xin DPT là vắc xin có thành phần bạch hầu nguyên liều sẽ gây phản ứng mạnh ở trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên).

5.3. Tiêm vắc xin Td: 

Trẻ từ 49 tháng tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi vắc xin Td cách nhau 1 tháng không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin bạch hầu trước đây, trừ những người mới tiêm vắc xin vắc xin có thành phần bạch hầu trong vòng 1 tháng.

Bệnh bạch hầu thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.

Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Trong một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng. Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền.

Bệnh đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị, tuy nhiên vắc xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở hầu họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.


Tâm Hiền
Ý kiến của bạn