Các bộ ngành, địa phương phấn đấu tăng trưởng năm 2025 đạt hai con số
Các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn để phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm sau, theo yêu cầu của Thủ tướng.
Quốc hội giao mục tiêu kinh tế năm 2025 trên 7%. Tuy nhiên, tại công điện vừa ký ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt GDP hai con số vào năm sau. Mức này cũng cao hơn so với chỉ tiêu 8% được Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó.
Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức. Song việc này sẽ tạo tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026 - 2030, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.
Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trên trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu chung là đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia. Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.
Các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 3/1/2025.
Cùng với đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, cần xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen; kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới...
Thực tế, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong khu vực năm 2025, vượt qua mức tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm sau của Việt Nam có thể dưới 7%. Chẳng hạn, IMF dự báo tăng trưởng 2025 của Việt Nam đạt 6,1%, cao hơn so với các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan (3-5,1%). ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% hôm tháng 9, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư trong năm 2024.
Huyền My (t/h)Trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 64-65 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%.