Các chuỗi siêu thị tại Hà Nội chủ động tìm nhà cung cấp thực phẩm thay thế

Kinh doanh
07:43 AM 03/08/2021

Không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống, hiện đã xuất hiện nguy cơ dịch COVID-19 tấn công các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát hiện những ca nhiễm COVID-19 tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, nhà cung ứng thực phẩm cho siêu thị. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục siết chặt quản lý phòng, chống dịch COVID-19, các siêu thị cũng chủ động tìm nhà cung ứng thực phẩm thay thế, bảo đảm đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhiều khu chợ trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 như tại chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy)... Không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống, hiện đã xuất hiện nguy cơ dịch COVID-19 tấn công các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Sáng 2/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã ra thông báo tìm người đến Công ty thực phẩm Thanh Nga từ ngày 14/7 đến 1/8/2021. Đáng chú ý, Công ty Thanh Nga (địa chỉ 82/651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị, cửa hàng tiện ích tại khu vực Hà Nội.

Đến chiều 2/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã thông tin cụ thể về 52 địa điểm có F0 là nhân viên giao hàng của Công ty Thanh Nga trong thời gian từ 27/7 đến 30/7.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart) cho biết, ngay khi nhận được thông tin xác định các ca F0 liên quan đến Công ty Thanh Nga, VinCommerce đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này. 

Đại diện VinCommerce cho biết, hiện tại, siêu thị đang tuân thủ theo hướng dẫn của Tập đoàn Masan và tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng để khoanh vùng, truy vết, thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch.

Báo Chính phủ đưa tin ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, Thanh Nga là một trong nhiều nhà cung cấp thịt cho BRG cũng như nhiều siêu thị khác. Việc Thanh Nga có ca dương tính với SARS-CoV-2 và tạm thời dừng hoạt động khiến các siêu thị khác sẽ dồn vào các nhà cung cấp khác như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… Do đó, BRG cũng đang tìm các nhà cung cấp khác để bổ sung vào lượng hàng bị thiếu hụt.

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa. Sở đã có văn bản hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm triển khai các giải pháp phong tỏa, xử lý khi gặp tình huống phải tạm đóng cửa do có ca lây nhiễm COVID-19, nhanh chóng bảo đảm an toàn để có thể hoạt động sớm trở lại. Chính quyền các địa phương tổ chức phân luồng, bố trí để người dân có nơi mua thực phẩm thiết yếu.

PV
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.