Các cơ quan báo chí đồng hành với sự phát triển KT-XH của tỉnh Cà Mau
Mới đây, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
98 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện lòng trung thành sâu sắc với Đảng, với Tổ quốc, với dân tộc; là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Những năm gần đây, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển và lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời chuyển tải thông tin trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia...
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, ở Cà Mau trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, sự nghiệp báo chí Cà Mau luôn được duy trì và phát triển. Trước và trong cuộc khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945, tờ Thông tin Bạc Liêu ra đời. Năm 1946 Tờ báo Chiến - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ hoạt động suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ năm 1955, Tờ báo Hoà Bình Thống Nhất hoạt động bí mật trong giai đoạn đấu tranh chính trị. Sau Đồng Khởi 1960, báo chí Cà Mau mở ra một trang mới, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đó là thời kỳ tờ báo mang tên "Chiến Đấu", "Cà Mau giải phóng". Các thế hệ nhà báo cách mạng của tỉnh đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp báo chí của tỉnh, tên tuổi của các đồng chí luôn được nhiều thế hệ người Cà Mau và những người làm báo Cà Mau nhắc đến với niềm kính trọng, tự hào và được tỉnh đặt tên cho các giải thưởng báo chí như: Giải Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển, giải báo chí Nguyễn Mai và giải báo chí Trần Ngọc Hy...
Hiện nay, Cà Mau có 03 cơ quan báo chí (Báo Cà Mau, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Tạp chí Văn nghệ) với 212 hội viên Hội Nhà báo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 cơ quan, văn phòng thường trú của báo Trung ương (Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân). Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã thực hiện ký kết hợp tác tuyên truyền với 48 cơ quan báo chí, tạp chí trong cả nước; hơn 60 phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo thành một lực lượng hoạt động báo chí hùng hậu.
Ông Huỳnh Quốc Việt đánh giá, các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn cơ bản thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, các định hướng tuyên truyền và quy định của pháp luật về hoạt động báo chí; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền, tập trung giới thiệu về vùng đất và con người Cà Mau; phản ánh những vấn đề trọng tâm, những nhiệm vụ then chốt mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện.
Đặc biệt là tuyên truyền kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chính quyền thân thiện - phục vụ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; các sự kiện chính trị trọng đại diễn ra trên địa bàn, các lĩnh vực kinh tế - xã hội nổi bật; phản ánh các vấn đề dư luận quan tâm, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt, giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ cơ sở; tiên phong tìm tòi, phát hiện, phản ánh những mô hình hay, những việc làm hữu ích qua đó kịp thời nêu gương tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến, những gương người tốt, việc tốt và tạo cảm hứng lan tỏa cái tốt, cái hay, cái đẹp và nhân văn trong cộng đồng….
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, thành tích, kết quả, sự cống hiến của các cơ quan báo chí và những người làm báo đã đồng hành cùng với tỉnh trong suốt thời gian qua.
Ông Huỳnh Quốc Việt mong rằng thời gian tới, báo chí cần phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, để báo chí luôn đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực; đảm bảo vừa là kênh thông tin tuyên truyền của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân; phản ánh kịp thời, trung thực những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí, bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương.
Bên cạnh đó, trong công tác phối hợp với các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương quan tâm hơn nữa tới hoạt động truyền thông, nhất là truyền thông các chính sách của đơn vị, địa phương; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh Cà Mau đến với tỉnh, thành phố trong khu vực, cả nước và thế giới; chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí để tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho tỉnh.
Văn Dương - Hồng ÂnTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.