Các cơn bão gần đây ở miền Trung gây thiệt hại lên tới 1,3 tỷ USD

Đầu tư và Tiếp thị
12:56 PM 14/11/2020

Trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2020 được công bố ngày 13/11 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thiệt hại về kinh tế do các cơn bão ở miền Trung gần đây gây ra ước tính lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).

Các cơn bão gần đây ở miền Trung gây thiệt hại lên tới 1,3 tỷ USD - Ảnh 1.

Thiên tai gây ra hậu quả nặng nề tại các tỉnh miền Trung.

Theo bản tin, thời gian qua Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại địa phương. 

Báo cáo nhấn mạnh, từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn và kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. 

Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Thiệt hại về kinh tế do các cơn bão gây ra ước tính lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ USD). 

Bản tin của WB cho biết, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố trong tháng 10, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần bằng giai đoạn trước dịch Covid-19. 

Trong tháng 10, nền kinh tế tiếp tục phục hồi vững chắc khi cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 2/2020. 

Nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 17,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, trong khi cam kết vốn FDI tháng trước đạt 2,27 tỷ USD, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và là nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Bản tin nhấn mạnh, trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật.

Các chỉ số tài chính vẫn ổn định trong tháng 10, trong đó tỷ lệ lạm phát ở mức 2,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tăng trưởng tín dụng đạt 9,5%, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu thêm 0,5%. 

Chi ngân sách tăng, nhờ đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và phê duyệt các gói hỗ trợ tài chính (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ trong thời gian gần đây) với nguồn vốn được lấy từ các quỹ dự trữ của ngân sách nhà nước và vay trong nước.

WB nhấn mạnh, dù nền kinh tế trong nước dường như đang trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng vào năm 2020 nhưng làn sóng Covid-19 thứ hai ở các nước khác trên thế giới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. 

Cùng với đó, những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây cho thấy sự cần thiết phải xây dựng lại các công trình tốt hơn, xanh hơn và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của nền kinh tế và tài chính công.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.