Các công ty công nghệ Trung Quốc là đối thủ của nhiều ngân hàng châu Âu?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:37 AM 24/11/2020

Theo AFP, nhiều ngân hàng châu Âu vẫn cảnh giác rằng những "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc, như Ant Group hay Tencent, có thể sớm trở thành đối thủ cạnh tranh chính của họ.

Các 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc sẽ là đối thủ của nhiều ngân hàng châu Âu?

Mặc dù hiện nay các công ty fintech (công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin) vẫn chưa thực sự là mối đe dọa đối với các ngân hàng đã thành lập, ngân hàng truyền thống cũng đang chạy đua trong việc cải tổ hệ thống và đầu tư ồ ạt vào năng lực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số tương tự.

Nhưng những năm gần đây, ngành tài chính châu Âu đã chứng kiến sự xuất hiện của số lượng lớn các công ty khởi nghiệp fintech mà các dịch vụ kỹ thuật số của họ có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng truyền thống.

Các công ty công nghệ Trung Quốc là đối thủ của nhiều ngân hàng châu Âu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ví dụ rõ nhất trong thời gian gần đây là Ant Group, GAFAM hay Tencent...

Dù gần đây, Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group của Trung Quốc đã vấp phải một bước lùi sau khi bị Chính phủ Trung Quốc đình chỉ kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng không thể phủ nhận khả năng đầu tư của Ant Group.

Ant Group là điều hành Alipay, một trong hai nền tảng thanh toán trực tuyến đang “thống trị” ở Trung Quốc. Đối thủ của Alipay ở thị trường nội địa là WeChat Pay, thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” Internet Tencent.

Trong một phát biểu gần đây, Frederic Oudea, người đứng đầu ngân hàng Societe Generale của Pháp, cho rằng đối thủ cạnh tranh thực sự trong tương lai có thể sẽ là GAFAM và Ant Group. GAFAM là tên viết tắt của nhóm 5 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ, bao gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft. Các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ đã và đang tạo ra nhiều lợi thế hơn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nơi mà các đối thủ Trung Quốc của họ vốn đã rất tiên tiến.

Theo Christopher Schmitz, chuyên gia về fintech tại Công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY), các công ty, vốn ban đầu chỉ phát triển phần mềm trò chuyện, rất quan tâm đến việc tăng cường các hoạt động tài chính vì chúng cho phép họ bao phủ phạm vi rộng hơn trong các hoạt động hàng ngày của người sử dụng.

Dần dần, ngày càng nhiều người chuyển sang sử dụng dịch vụ tài chính của các công ty này.

Chuyên gia tư vấn về thị trường thương mại điện tử Adrien Boue chỉ ra rằng các công ty trên không bằng lòng với việc chỉ cung cấp phương tiện thanh toán, họ còn mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn về dịch vụ tài chính hơn như khả năng nhận được một khoản vay chỉ với vài thao tác đơn giản.

Alipay tạo ra nhiều doanh thu hơn từ các dịch vụ tài chính mà ứng dụng này cung cấp, chẳng hạn như các chương trình đầu tư và các khoản vay, dịch vụ thanh toán trực tuyến chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” mà đã biến Alipay thành một siêu ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Mục tiêu của các công ty là người dùng sử dụng ứng dụng càng lâu càng tốt, từ sáng đến tối, khi thì nói chuyện với bạn bè, khi thì đặt xe, gọi đồ ăn...

Thanh toán bằng mã QR trên điện thoại di động có cài đặt Alipay hoặc WeChat Pay rất phổ biến ở Trung Quốc do tính tiện lợi của phương thức này. Riêng Alipay có 731 triệu người dùng hàng tháng.

Chỉ trong vài năm, hai nền tảng này đã thay đổi suy nghĩ của người dân coi “tiền mặt là vua” sang thói quen sử dụng điện thoại thông minh là phương tiện thanh toán được lựa chọn tương đối phổ biến.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Trung Quốc rất đáng chú ý, nhưng công thức này có thể áp dụng ở mức độ như thế nào ở châu Âu, đặc biệt là sau khi tham vọng IPO của Ant Group bị chặn lại?

Julien Maldonato, chuyên gia dịch vụ tài chính tại công ty tư vấn Deloitte France, cho biết các ngân hàng của châu Âu vẫn được bảo vệ bởi những rào cản văn hóa, nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi mãi. Tại châu Âu, việc thanh toán dựa trên mã QR chưa phổ biến nhiều.

Tính đa dạng của châu Âu với ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp đến từ một châu lục khác. Tuy nhiên, chuyên gia Maldonato lưu ý rằng các công ty công nghệ của Mỹ đã có sự hiện diện đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu, trong khi ứng dụng đình đám TikTok của Trung Quốc thu hút sự quan tâm người dùng trẻ tuổi.

Năng lực của các công ty Trung Quốc trong việc đổ tiền vào phát triển công nghệ mới và thu hút khách hàng thực sự có thể thay đổi cuộc chơi. Mỗi công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 70 tỷ USD trong 5 năm tới.

"Điều đó sẽ khiến người Mỹ lo ngại và đẩy nhanh các khoản đầu tư, trong khi các công ty châu Âu sẽ gặp khó khi vươn lên", Maldonato dự báo.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4

Lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440.000 lượt hành khách đi và đến trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.