Các địa phương đang thực hiện giãn cách cần làm gì để trở lại trạng thái 'bình thường mới'?

Xã hội
10:42 AM 15/09/2021

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đang xây dựng hướng dẫn “Lộ trình từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới” tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg”.

Theo đó, các tiêu chí trong hướng dẫn "Lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg" bao gồm: tiêu chí kiểm soát dịch, tỉ lệ giường ICU, tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19, mức độ nguy cơ...

Các địa phương đang thực hiện giãn cách cần làm gì để trở lại trạng thái “bình thường mới”? - Ảnh 1.

Bộ Y tế đưa ra 4 bước để các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trở về trạng thái "bình thường mới"

Dự thảo đưa ra 4 bước để địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trở về trạng thái "bình thường mới" bao gồm:

Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỉ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cấp xã, phường để phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi đạt dưới 60%.

Mở các hoạt động ngoài trời với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát; những người đã tiêm vaccine, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70%.

Mở thêm các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn; những người đã tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt những khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 4: Thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới khi địa phương đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, và có tỉ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi đạt trên 70%.

Theo đó, với phường, xã, quận, huyện có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi (được tiêm ít nhất 1 liều và dưới 20% được tiêm đủ 2 liều vaccine) đạt dưới 60% sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 với vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; áp dụng Chỉ thị 19 với vùng có nguy cơ, vùng bình thường mới.

Khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70% sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 với vùng nguy cơ rất cao, Chỉ thị 15 với vùng nguy cơ cao, Chỉ thị 19 với vùng có nguy cơ và vùng bình thường mới.

Trường hợp địa bàn có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi đạt trên 70% sẽ áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 tại vùng nguy cơ rất cao, Chỉ thị 19 ở vùng nguy cơ cao, và áp dụng trạng thái bình thường mới với 2 vùng còn lại.

Trước đó, tiêu chí tiên quyết để được mở cửa kinh tế trở lại là kiểm soát được dịch bệnh theo quyết định 3979/QĐ-BYT ban hành ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế bao gồm: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Tỉ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao.

Quang Dũng
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.