Các địa phương quy định về cách ly đối với hành khách đi máy bay như thế nào?
Trong khi nhiều địa phương yêu cầu người dân theo dõi tại nhà, thì Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng lại yêu cầu cách ly tập trung.
TP. Hà Nội, theo quy định hành khách đến từ TP. Hồ Chí Minh lưu trú tại thủ đô sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày tại khu cách ly của thành phố hoặc tại một trong 20 khách sạn đã công bố. Khách tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm. Hết 7 ngày cách ly tập trung, khách tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi ở 7 ngày.
Hành khách từ Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội sẽ cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ sáu trước khi kết thúc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú/nhà 7 ngày tiếp theo. Thành phố đã lên danh sách 20 khách sạn để bố trí cách ly.
TP. Hải Phòng, áp dụng quy định hành khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Cát Bi và lưu trú tại Hải Phòng phải cách ly tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ ba và thứ bảy; tiếp tục tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày cuối cùng cách ly.
Thành phố đã lên danh sách khách sạn trên địa bàn quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng... với nhiều mức giá phòng để hành khách lựa chọn. Hiện nay sân bay Cát Bi chỉ đón chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu hành khách cách ly tập trung 7 ngày tại khu cách ly đóng trên địa bàn hoặc khu cách ly tại doanh nghiệp và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm vào ngày thứ nhất, thứ bảy tính từ ngày được vào tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay tỉnh mới tiếp nhận chuyến bay từ Thanh Hóa.
TP. Đà Nẵng, không quy định cách ly tập trung, song Thành phố yêu cầu hành khách cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày với người về từ vùng dịch. Trong thời gian này, khách được xét nghiệm PCR lần một ngay khi cách ly, lần hai vào ngày thứ tư, lần ba vào ngày thứ bảy, lần bốn vào ngày thứ 14 tính từ khi rời khỏi địa phương.
Hiện Đà Nẵng đón chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và Đăk Lăk.
Các tỉnh như: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An… yêu cầu hành khách cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú 7 ngày và xét nghiệm COVID-19 một đến hai lần.
Cùng với việc phải thực hiện các quy định riêng của địa phương về cách ly y tế, hàng khách đi máy bay còn phải chấp hành quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Cụ thể, hành khách phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi COVID-19 trong 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong 72 giờ trước khi lên máy bay.
Hành khách khai báo y tế; hoàn thành bản cam kết phòng dịch khi làm thủ tục hàng không; không tham gia chuyến bay khi ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng... Trên máy bay, hành khách phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.
Quá trình về nơi cư trú, lưu trú, phải thực hiện 5K, không tiếp xúc đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.