Các địa phương ứng phó ra sao khi F0 đang có xu hướng tăng trở lại?
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết nhanh nhất có thể.
Số ca COVID-19 cộng đồng xu hướng gia tăng
Về kết quả giám sát các trường hợp mắc trong cộng đồng, cả nước phát hiện 6.578 ca mắc trong cộng đồng (chiếm 55,8 % tổng số mắc trong ngày), tăng 568 ca so với ngày trước đó.
Bộ Y tế thống kê, trong 7 ngày qua, các địa phương ghi nhận số mắc trong cộng đồng tăng so với 7 ngày trước đó là TP.HCM tăng 1.193 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 1.096 ca. Các địa phương ghi nhận số mắc trong cộng đồng giảm là Tiền Giang giảm 299 ca, An Giang giảm 185 ca và Cà Mau giảm 28 ca.
Trong ngày 24/11, ca cộng đồng tại Hà Nội cũng đạt mức kỷ lục khi ghi nhận 209 ca cộng đồng (tăng 88 ca so với ngày trước đó). Số F0 giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 8.378 ca.
Trong ngày, tỉnh Kiên Giang cũng ghi nhận 118 ca cộng đồng (tăng 35 ca so với ngày trước đó). Số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 17.535 ca.
Tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận 14 ca cộng đồng (giảm 13 ca so với ngày trước đó). Số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 24.116 ca.
Tỉnh Hà Nam, trong ngày ghi nhận 5 ca cộng đồng (giảm 5 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 1.394 ca.
TP. Đà Nẵng, trong ngày ghi nhận 47 ca cộng đồng giảm 6 ca so với ngày trước đó). Tích lũy số mắc giai đoạn 4 đến nay trên địa bàn là 5.592 ca.
Bộ Y tế nhận định, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.
Lập nhiều phương án ứng phó
Để kiểm soát số ca COVID-19 xu hướng tăng trở lại, Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo kế hoạch hiện nay, thành phố tổ chức giám sát xét nghiệm để kịp thời phát hiện F0, dập dịch nhanh chóng và không để lan rộng, không để ảnh hưởng sinh hoạt người dân.
Cụ thể, ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên với khu vực nguy cơ cao như chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội; các hộ gia đình cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát ngẫu nhiên người lao động theo cấp độ dịch từng nơi.
Mặt khác, khi tình hình dịch căng thẳng trở lại, thành phố lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y; phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã giúp chăm sóc F0 tại nhà cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong công tác điều trị.
Để chăm sóc, điều trị cho F0 tăng lên, Sở Y tế cũng cho mở lại khu cách ly và thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện, xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2. Đến 15/11, 8 địa phương đã lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện với quy mô 300 - 500 giường, sẵn sàng thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và vừa. Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị thành lập thêm các khu cách ly ở phường, xã. Hiện, TP.HCM có 62 khu cách ly tập trung cấp quận, huyện, phường, xã.
Tại Hà Nội, Sở Y tế dự kiến lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động, đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, huy động các trung tâm y tế tham chiến. 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách. Đây là lần đầu Hà Nội áp dụng mô hình này. Nhiệm vụ là quản lý, theo dõi F0 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm; tiêm chủng vaccine; truyền thông về COVID-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác...
Để giảm áp lực cho các cơ sở y tế cũng như trung tâm cách ly F1, thành phố Hà Nội quy định từ ngày 17/11, thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.
Cũng từ ngày 17/11, Hà Nội thực hiện thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
Trước số ca F0 tăng nhanh tại các địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết nhanh nhất có thể. Sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; các địa phương chủ động sẵn sàng nguồn lực, xây dựng các phương án đáp ứng dịch bệnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...trên địa bàn; giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện nghiêm 5K; không lơ là, chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin. Tập trung truyền thông để thống nhất nhận thức và hành động theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chủ động cung cấp thông tin bảo đảm minh bạch, kịp thời, chính xác; phản bác thông tin sai sự thật.
Các địa phương, đơn vị trên cả nước cũng đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Bộ Y tế cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; tiếp tục chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19; rà soát, thống kê các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi để chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với các trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi.
HM (T/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.