Các doanh nghiệp đề xuất loạt giải pháp thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội
Trước nhiều khó khăn trong đầu tư nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp xây dựng, đầu tư nhà ở xã hội đã đề xuất loạt giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho phân khúc bất động sản này.
Bốn nhóm vấn đề về phát triển nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu rõ: Để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã giao đến năm 2030, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, hội viên của VNREA cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn với tầm nhìn vừa chiến lược, bao quát, vừa có giải pháp cụ thể, thiết thực.
Có 4 nhóm vấn đề chung được đặt ra là: Quỹ đất (Quy hoạch, kế hoạch, khu vực, vị trí cụ thể của đất đai phát triển nhà ở xã hội); nguồn vốn; cơ chế, chính sách; quy trình, thủ tục hành chính.
Theo ông Tuấn, vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, thì đề cập đến khó khăn trong việc vay vốn thực hiện dự án. Chẳng hạn vào tháng 8/2022, công ty có 4 dự án được vay vốn theo Nghị định 31 về gói vay hỗ trợ giảm lãi suất 2%. Doanh nghiệp liên hệ với Ngân hàng Nhà nước tại địa phương nhưng cuối cùng không được cho vay. Lý do là đụng tới giảm 2% sẽ bị thanh kiểm tra và thủ tục hành chính nhiều.
Vấn đề tiếp theo xoay quanh dòng vốn hỗ trợ. Hiện nay, ngân hàng đang dành hai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110 tỷ đồng dành để phát triển nhà ở xã hội. Còn Ngân hàng Nhà nước đề xuất gói 120 nghìn tỷ cho cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nhưng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với thị trường.
Một vấn đề khác cũng tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi phát triển nhà ở xã hội, đó là đối tượng khách hàng. Theo đại diện Địa ốc Hoàng Quân, thống kê cho thấy, cứ 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì đi hết, chỉ còn 20% ở. Tức nhà ở ở xã đang giao cho không đúng đối tượng, điều này làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội. Thậm chí, có nhiều trường hợp lúc đăng ký mua thì thuộc diện theo quy định, nhưng khi dự án hoàn thành lại không còn như vậy
Nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp để khơi thông "tắc nghẽn", giải quyết vướng mắc và thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho rằng, các chính sách về nhà ở xã hội sẽ khó đi vào đời sống thực chất nếu Nhà nước không ưu tiên tạo lập quỹ đất cũng như có các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, không ít đất đai ở nhiều địa phương đang “nằm trong tay” các doanh nghiệp bất động sản. Vậy cơ chế giải quyết về giá trị khi các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua đất thương mại và chuyển sang làm nhà ở xã hội cũng cần làm rõ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là vấn đề quy trình, thủ tục hành chính, đầu tư dự án, chủ trương quy hoạch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đòi hỏi chính quyền địa phương vào cuộc trong từng khâu.
Ông Nghĩa đề xuất: Để thu hút các doanh nghiệp bất động sản tham gia phát triển nhà ở xã hội, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể thuế, về lợi nhuận, hoặc các hình thức tương đương khuyến khích, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Vấn đề đầu tư hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nội khu, kết nối với hạ tầng bên ngoài là hết sức quan trọng và không thể thiếu vai trò của Nhà nước.
Về vấn đề ưu đãi chính sách, cụ thể về thuế VAT, VNREA kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu giữ ở mức 5%; tăng lợi nhuận từ 10% lên 15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Tiếp đến là quy trình, thủ tục hành chính, đầu tư dự án, chủ trương quy hoạch cần được đơn giản hóa và có hướng dẫn cụ thể bằng các nghị định, thông tư cụ thể.
Nhóm vấn đề tiếp theo tạm gọi là tỉ lệ nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội. Các ý kiến tập trung để đề xuất cần đảm bảo tối thiểu lớn hơn 20% và linh hoạt với từng địa phương, từng dự án, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Hiệp hội kiến nghị vấn đề này nên để địa phương quyết định cho phù hợp.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh nêu kiến nghị, Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 15.000 tỷ đồng. Hiện nay đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, trong lúc gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12/2023, nên Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép người mua, thuê mua nhà ở xã hội theo phương thức vay thương mại với lãi suất khoảng 9-10%/năm thì được thanh lý hợp đồng vay thương mại và phần vốn mua nhà ở xã hội còn lại được chuyển sang vay vốn ưu đãi (lãi suất 4,8%/năm tại NHCSXH). Đồng thời, bổ sung đối tượng là chủ nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê ở được xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm để cải tạo, nâng cấp nhà trọ, phòng trọ hiện hữu.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.