Các doanh nghiệp hàng hải, cần gỡ khó về phí dịch vụ
Theo khung giá về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam tại Thông tư 54/2018 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ bằng 45-80% khi so với mức giá những cảng chuyển tải lớn như Hong Kong hay Malaysia, Trung Quốc, Singapore...
Giá bốc xếp container cảng nước sâu Việt Nam rẻ giật mình
Trong khi chủ tàu nước ngoài chỉ trả cho các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam phí bốc xếp theo giá sàn là 33 USD/Teu tại khu vực Đình Vũ; 52 USD/Teu tại khu vực Cái Mép và 41 USD/Teu đối với khu vực Hồ Chí Minh… thì họ đang thu các chủ hàng Việt Nam tới 120 USD/Teu. Tức là họ đang lãi gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 4 lần từ các doanh nghiệp Việt.
Nếu vẫn giữ mức giá sàn hiện tại thì với khoảng 10 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển Việt Nam mỗi năm, các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ xấp xỉ một tỷ USD/năm.
Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam chia sẻ trong cuộc họp trực tuyến do Bộ GTVT tổ chức về việc nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng hải và khung giá dịch vụ tại cảng biển: "Giá dịch vụ tại các cảng biển Việt Nam thậm chí còn đang thấp hơn cả cảng sông tại Campuchia".
Lý giải rõ hơn, ông Long cho biết, vì cạnh tranh lẫn nhau, các cảng hầu hết đều đang thu các hãng tàu nước ngoài với giá sàn. Do đó, mỗi năm các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ cả tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu thiệt thòi rất lớn".
Không những vậy, giá bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng nước sâu của Việt Nam theo Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT đang rất thấp. Mức giá này chỉ bằng 45-80% khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hong Kong hay Malaysia, Trung Quốc, Singapore... "thậm chí là so với cảng Phnom Penh của Campuchia, một cảng sông với mức đầu tư không lớn".
Được biết từ năm 1990, đơn giá bốc xếp mà Bộ Tài chính đưa ra là 57-85 USD/container 20 feet. Tại cảng Hải Phòng, những năm 2008-2009, giá bốc dỡ container 20 feet là 48 USD. Thực tế, mức giá bốc dỡ container hiện nay đã thấp hơn thế rất nhiều.
Khi cần, có nên tăng giá dịch vụ cảng biển?
Hiện tại, Việt Nam có 3 cảng liên danh với nước ngoài. Các cảng này mặc dù đang khai thác vượt công suất thiết kế nhưng bức tranh tài chính vẫn không ổn, một phần nguyên nhân do giá dịch vụ còn thấp. Nếu muốn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư cảng biển thì giá bốc dỡ phải hợp lý để đủ bù được chi phí.
Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng cho hay, giá bốc dỡ đối với container 20 feet tại Cảng Hải Phòng hiện rất thấp, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng hạ tầng và trang thiết bị rất lớn. Mức thu dịch vụ thấp sẽ dẫn đến khó thu hồi vốn và tái đầu tư, thậm chí kéo tụt kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trước tình hình nêu trên, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đã đề xuất lên Bộ GTVT 2 phương án điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container đối với cảng biển khu vực I (không bao gồm Lạch Huyện).
Đối với khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu khu vực Lạch Huyện và Cái Mép-Thị Vải, các doanh nghiệp cảng biển cũng đề xuất 2 phương án tăng giá.
Nhận thấy những bất cập từ giá dịch vụ cảng biển, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá: "Tại Thông tư 54/2018, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng, tuy nhiên, vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia. Vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp là cần thiết".
"Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60 – 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực. Đến một thời điểm nào đó sau 2025, phải tiệm cận bằng giá dịch vụ trong khu vực, ít nhất bằng Campuchia".
Ngoài ra, tăng giá trong 3 năm liên tiếp từ (2021 – 2023) mỗi năm 10%, đưa giá bốc dỡ container từ tàu sang sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng bằng 90% giá đưa từ bãi container này sang bãi container khác (giá CY), là ý kiến kiến nghị của ông Phạm Quốc Long.
Tâm HiềnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.