Các giải pháp để thu hút và giữ chân các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, hạ tầng đất đai, nguồn nhân lực và cải cách thể chế là những đột phá Việt Nam cần làm ngay để thu hút, giữ chân các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/3, trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp để thu hút các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, nhất là những dự án đầu tư, doanh nghiệp lớn về công nghệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam cần thực hiện ba đột phá để thu hút các nhà đầu tư, giữ chân tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới.
Theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới hạ tầng, họ đưa ra yêu cầu cao về hạ tầng đất đai, giao thông. Vì thế, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quy mô lớn đang làm.
Luật Đất đai được Quốc hội thông qua đầu 2024, với nhiều điểm tháo gỡ, thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực đất đai. Ông Phương cho rằng, các văn bản hướng dẫn thi hành luật này cần được bộ chức năng sớm ban hành, đáp ứng mong chờ của nhà đầu tư.
Đột phá nữa Việt Nam cần làm ngay để giữ chân các "đại bàng" là nhân lực. Theo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam phấn đấu có 100.000 lao động chất lượng cao, trong đó 50.000 kỹ sư ngành chip bán dẫn để đón sóng đầu tư lĩnh vực này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khẩn trương thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành bán dẫn.
"Chúng ta có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng cái chúng ta cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Các bộ, ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam", Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện công tác thể chế. Thứ trưởng Phương cho biết, vừa qua, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
"Những cơ chế, chính sách mới được ban hành chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", Thứ trưởng Phương khẳng định.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 20/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng vốn đăng ký mới tăng gấp đôi năm ngoái, đạt 3,6 tỷ USD. Lý do, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nhờ lượng dự án mới tăng 55% và quy mô vốn đầu tư lớn (400-600 triệu USD).
"Đây là tín hiệu cho thấy cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, tỷ lệ vốn, dự án mới tăng cao sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng", ông Phương nói.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phân tích việc cần làm để đưa ra giải pháp thu hút, giữ chân các tập đoàn lớn, uy tín trong lĩnh vực công nghệ. Thủ tướng cho rằng "đây là nhiệm vụ cần thực hiện năm nay để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ".
Huyền My (t/h)Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.