Các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa, vi nhựa tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã có những hành động cụ thể trước vấn nạn rác thải, như tháng 5/2021, nhà máy điện rác lớn nhất Hà Nội bắt đầu chu trình vận hành thử nghiệm. Tại TPHCM cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện trị giá 3.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2019, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường.
Trạm trung chuyển rác tại chợ Hiệp Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh) quá tải (Ảnh N.T.A)
Cần nhìn bài toán đầu tư quy trình xử lý rác thải, giảm áp lực các bãi chôn lấp
Thực tế hiện nay, rác thải nói chung sau khi được phân loại từ nguồn – tức là từ các hộ dân sinh, từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, rác thải y tế…v.v. đều được đổ chung lên xe chở rác. Các loại rác thải này chở tới nhà máy, công đoạn phân loại, tiêu hủy, chôn lấp mới được thực hiện.
Điều này tạo áp lực lớn đối với các nhà máy xử lý rác, bởi lẽ trung bình mỗi ngày, các thành phố lớn xả ra hơn 6.000 tấn – 9000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Khi chúng ta xử lý tốt việc phân loại rác tại các điểm thu gom, chúng ta sẽ xử lý, tái sử dụng tài nguyên rác một cách hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê, phân tích của Sở Tài nguyên - Môi trường, thành phần chủ yếu trong chất thải rắn đô thị là chất hữu cơ (chất thải từ thực phẩm) chiếm 65% - 95%, nhựa, giấy, kim loại chiếm 10% - 25%. Nguồn rác thải này có thể được coi như nguồn "tài nguyên" khi chúng ta đầu tư vào quy trình xử lý, tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường. Còn các rác thải từ nhựa có thể nhiệt phân thành dầu nhiên liệu thông qua việc đầu tư vào dây chuyền xử lý rác.
Quy trình nhiệt phân chất thải nhựa thành dầu nhiên liệu
Bên cạnh đó, cần đầu tư mở rộng các nhà máy xử lý rác thải, áp dụng công nghệ hiện đại trên thế giới cũng cần được chú trọng nhằm giảm áp lực tại các khu chôn lấp rác trên cả nước. Đơn cử như trong năm 2020, tại khu chôn lấp rác xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn – nơi chôn lấp rác thải lớn nhất thành phố, người dân địa phương đã 02 lần ngăn cản xe chở rác vào bãi rác vì tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ở mức báo động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên địa bàn xã.
Sản phẩm sau khi nhiệt phân nhựa
Hiện nay, chúng ta đã có những hành động cụ thể trước vấn nạn rác thải, như tháng 5 vừa qua, nhà máy điện rác lớn nhất Hà Nội tại Sóc Sơn của Công ty CP Năng lượng và Môi trường Thiên Ý Hà Nội đã tiếp nhận những tấn rác đầu tiên và bắt đầu chu trình vận hành thử nghiệm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh (Citenco) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) về lộ trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện trị giá 3.000 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, các cơ quan chức năng đã đổi góc nhìn, việc đầu tư vào lĩnh vực tái sinh, tái chế chất thải không chỉ để xử lý rác mà còn là một ngành sản xuất phục vụ cho kinh tế và sự phát triển của thành phố.
Một tính toán của Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đang bỏ ra 20USD để chôn lấp 1 tấn rác thải, trong khi chi phí đốt 1 tấn rác tương đương nhưng bán được điện và tiết kiệm đất để phát triển đô thị. Với giá điện được Chính phủ hỗ trợ như hiện nay 2.114 đồng/KWh thì thời gian hoàn vốn cho một dự án đốt rác phát điện khoảng 10 năm.
Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy
Để người dân thay đổi thói quen trong việc tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp các doanh nghiệp đồng hành lâu dài cùng người dân và chính quyền trong việc phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon, Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp như: các chính sách ưu tiên về thuế đối với doanh nghiệp, ưu tiên về giá thành nhập các nguồn nguyên liệu, tăng thuế đối với việc sản xuất các mặt hàng từ nhựa…
Các sản phẩm làm từ bã mía, thân thiện với môi trường
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh bằng các phong trào, chương trình cụ thể như: phát động chương trình hành trình xanh, tuyên truyền tác hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa tại phường, xã và hướng dẫn một số biện pháp nhằm khắc phục hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường từ bã mía như hộp bã mía, ly bã mía.
Theo kết quả khảo sát của nhóm tình nguyện viên tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tại 23 quận, huyện trên địa bàn thành phố với 873 phiếu khảo sát, hướng tới 3 nhóm đối tượng chính là: sinh viên, nhân viên văn phòng, những người nội trợ. Kết quả cho thấy tần suất sử dụng túi nilon là cao nhất chiếm khoảng 80%, tiếp đó là chai nhựa chiếm 43% và chén, đĩa nhựa chiếm 41%.
Có thể thấy, việc lạm dụng sử dụng các sản phẩm từ nhựa – khó phân hủy xuất phát từ sự tiện lợi, thói quen và chi phí rất thấp. Vì vậy để quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền tới người dân thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa là nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có sửa đổi) về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa; đưa nội dung về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa vào các quy định của Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo sửa đổi, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; lồng ghép nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa.
Khang KhanhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.