Các hãng hàng không đề nghị bỏ test nhanh với đường bay quốc tế
Các hãng hàng không phản ánh quy định khai báo y tế trên nhiều ứng dụng, test nhanh trước và sau chuyến bay gây khó khăn cho hành khách. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh COVID-19 trước và sau khi lên máy bay.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, hiện Bộ Giao thông Vận tải nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các hãng hàng không trong nước và nước ngoài kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc test nhanh COVID-19 trước và sau khi lên tàu bay.
Gặp khó vì quy định test nhanh trước chuyến bay quốc tế
Hiện nay, hành khách nhập cảnh Việt Nam cần có kết quả xét nghiệm PRC còn hiệu lực (72 giờ) đồng thời phải test nhanh tại các sân bay quốc tế trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay tại Việt Nam trước khi nhập cảnh.
Phía Vietjet cho rằng, đối với việc test nhanh trước khi lên máy bay tại sân bay nước ngoài đang là khó khăn đối với hành khách và hãng hàng không do nhiều sân bay chưa cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và cũng phát sinh chi phí đối với hành khách (Nhật Bản là khoảng 270 USD) trong khi hành khách đang có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR đang còn hiệu lực, đồng thời hành khách cũng sẽ phải thực hiện xét nghiệm nhanh ngay sau khi xuống máy bay tại Việt Nam sau 1-5 tiếng bay.
Vietjet kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bỏ quy định phải xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay khi kết quả xét nghiệm PCR đang còn hiệu lực.
Vietnam Airlines cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế xem xét bỏ quy định yêu cầu hành khách test nhanh tại sân bay nước ngoài; Bộ Công An, Bộ Ngoại giao ban hành quy định, hướng dẫn rộng rãi về thủ tục xin cấp giấy chấp thuận nhập cảnh của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Với đối tượng người gốc Việt, xem xét miễn yêu cầu này. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam xem xét tăng cường năng lực phục vụ các chuyến bay quốc tế về Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tránh việc phải thay đổi kế hoạch khai thác, xin lại slot.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hãng đã mở lại đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam từ 7 thị trường là: Mỹ (4 chuyến/tuần), Nhật Bản (3 chuyến/tuần), Hàn Quốc (2 chuyến/tuần), Đài Loan (1 chuyến/tuần), Singapore (2 chuyến/tuần), Thái Lan (2 chuyến/tuần), Campuchia (4 chuyến/tuần). Các đường bay này đã được mở bán rộng rãi và phục vụ hành khách đáp ứng các yêu cầu về quy định nhập cảnh, y tế của Chính phủ Việt Nam. Các chuyến bay thường lệ tính tới thời điểm hiện tại đều được khai thác an toàn và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ hành khách, đặc biệt là người dân có nhu cầu hồi hương.
Thống nhất quy định xét nghiệm
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh COVID-19 như quy định về thời gian xét nghiệm trước khi lên máy bay, thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, hình thức thanh toán chi phí... dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai, cũng như thực hiện thu phí xét nghiệm, do đây không phải là chức năng của các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, việc thực hiện test nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không khi tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại các cảng hàng không và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét cho phép áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế như các quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác đang áp dụng trong thời gian qua (không phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay).
Trong trường hợp vẫn cần duy trì quy định xét nghiệm nhanh, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ xét nghiệm nhanh 1 lần đối với hành khách và phi hành đoàn sau khi hạ cánh và giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách thức, thời gian, cơ quan thực hiện, cơ chế công nhận kết quả xét nghiệm nhanh cũng như thủ tục thanh toán chi phí đối với hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế.
Văn bản do ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan (y tế, công an, các địa phương,...) nghiên cứu mở rộng phạm vi, tần suất hoạt động theo lộ trình các chuyến bay quốc tế thường lệ bảo đảm nhu cầu đi lại và các yêu cầu về phòng chống dịch.
Yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình thực hiện giai đoạn thí điểm kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, nghiên cứu thúc đẩy đàm phán với nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ đang triển khai kế hoạch nêu trên để thống nhất nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ với Việt Nam và tăng tần suất các chuyến bay trong điều kiện phù hợp.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện đã có 7/9 quốc gia và vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách gồm: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo báo cáo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 ngày đầu khôi phục trở lại chuyến bay quốc tế thường lệ, có tổng cộng 64 chuyến bay chở khách đến Việt Nam, chở 7.847 khách nhập cảnh Việt Nam. Trong đó có 18 chuyến bay thương mại, 25 chuyến bay combo và 21 chuyến chở chuyên gia, khách du lịch.
HM (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.