Các hãng hàng không làm gì để 'kiếm tiền' thời Covid-19?

Thị trường
08:46 PM 25/12/2020

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề, ngoài việc một số hãng bay buộc phải phá sản, thì nhiều hãng vẫn đang cố "leo lên từ vực thẳm" theo cách riêng.

Hồi tháng 11/2020, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 157 tỷ USD trong năm 2020 và 2021, riêng hàng không Việt Nam sẽ chịu thiệt hại khoảng 4 tỷ USD trong năm 2020.

Trong bối cảnh này, nhiều hãng hàng không hi vọng vào các chương trình viện trợ của Chính phủ. 

Các hãng hàng không làm gì để vượt vượt qua thời Covid-19? - Ảnh 1.

Nhiều hãng hàng không hi vọng vào các chương trình viện trợ của Chính phủ

Riêng các hãng vận chuyển ở châu Âu đã nhận gói hỗ trợ 29 tỷ euro, gồm những khoản vay của nhà nước và những hình thức hỗ trợ khác. Các hãng hàng không ở Ấn Độ - nơi cho tới khi dịch bệnh bùng phát vẫn được cho là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới đang mong muốn nhận được khoản vay hỗ trợ không lãi suất trị giá 1,5 tỷ USD từ chính phủ. 

Hãng hàng không Virgin Atlantich Airways của tỷ phú Richard Branson đã nhận được gói cứu trợ 1,2 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD) được xây dựng quanh các khoản vay từ các quỹ. Đại dịch đang đẩy hãng Virgin Austalia vào cảnh phải "bán mình" vào tháng 9.

Tại Việt Nam, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng dành cho Vietnam Airlines để tháo gỡ khó khăn cho hãng trong thời kỳ dịch bệnh. 

Vậy với những hãng hàng không không nhận được gói hỗ trợ thì sao?

Trên thế giới, tình hình kinh doanh “chạm đáy” khiến các hãng hàng không liên tục đưa ra các chính sách cắt giảm nhân sự, giảm lương, cho nhân sự nghỉ việc không lương. Theo IATA, 25 triệu việc làm trong ngành hàng không và các doanh nghiệp liên quan như du lịch có thể bị cắt giảm. Con số này cao hơn mức 22 triệu việc làm bị mất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhiều hãng hàng không điêu đứng tới mức buộc phải tái cấu trúc, bán bớt một số mảng kinh doanh hoặc nộp đơn xin phá sản. 

IATA nhận định, vaccine ngừa Covid-19 có thể giúp ngành hàng không khởi sắc trong năm tới, nhưng sẽ cần thời gian để tiêm chủng cho hàng tỷ người trên khắp thế giới. Vì vậy, có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, trong "hầm tối" vẫn sẽ thấy "ánh sáng" ở đường ra. Vận tải hàng hóa hiện là điểm sáng duy nhất của ngành hàng không vào thời điểm này. 

IATA dự báo doanh thu vận tải hàng hóa của các hãng hàng không sẽ tăng 15% so với năm 2019, lên mức 117,7 tỷ USD. Khoảng 50% lượng hàng hóa qua đường hàng không hiện được vận chuyển bằng máy bay chở khách, nhưng vì số lượng máy bay được khai thác giảm mạnh nên giá vận chuyển hàng hóa tăng đột biến.

“Dù vận tải hàng hóa không thể bù đắp được doanh thu bị mất đi từ vận chuyển hành khách nhưng cũng giúp các hãng bay duy trì mạng lưới vận tải quốc tế”, ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc của IATA nói.

Đặc biệt, Vietjet Air của Việt Nam đã chứng tỏ sự nhanh nhạy và thích ứng mạnh mẽ khi triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, hay tự thực hiện các dịch vụ phụ trợ. 

Vietjet Air bắt đầu dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ tháng 04/2020 và là hãng hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách. Ngoài ra, Vietjet Air đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Để tự cứu mình, nhiều hãng hàng không đã tìm cách "tự kiếm tiền" theo cách rất riêng. 

Thai Airways đã mở một nhà hàng tại trụ sở ở Bangkok (Thái Lan) từ đầu tháng 9. Hãng đã thiết kế nhà ăn tại trụ sở hãng giống với không gian trên máy bay và mở bán thực đơn những món ăn đặc biệt trên các chuyến bay để phục vụ các du khách "cuồng chân" mà không thể bay.

Các hãng hàng không làm gì để vượt vượt qua thời Covid-19? - Ảnh 2.

Nhà hàng của hãng hàng không cho du khách muốn trải nghiệm.

Hãng hàng không Cathay Pacific đã bắt đầu dịch vụ giao suất ăn trên máy bay tới tận nhà những hộ dân sinh sống tại khu vực Tung Chung gần sân bay quốc tế Hong Kong.

Còn British Airways nghĩ tới sáng kiến nhắm đến những người yêu nghệ thuật. Hồi tháng 7, hãng hàng không này đã trưng bày 17 tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao trong phòng chờ sân bay và trụ sở chính. Kết quả là họ thu về 2,8 triệu USD từ việc bán các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Bridget Riley và Damien Hirst.

Hãng hàng không Qantas đưa ra một sản phẩm hấp dẫn giá chỉ 18 USD dành cho khách hàng, bao gồm bộ đồ ngủ hạng thương gia, một bộ mỹ phẩm cá nhân và một số đồ ăn nhẹ trên chuyến bay.

Cathay Pacific còn rao bán trực tuyến sản phẩm dùng trên máy bay để thúc đẩy doanh số thương mại điện tử của tập đoàn. Trang mua sắm trực tuyến của Cathay Pacific tung ra các ưu đãi như cơ hội nhận được Apple MacBook nếu khách tích lũy được 360.000 km đường bay.

Một công ty mang tên VistaJet (hãng chuyên cho thuê chuyên cơ) đã ra mắt chương trình hội viên trên các chuyến bay thuê dành riêng cho các doanh nhân hoặc những cá nhân có nhu cầu di chuyển trong thời kỳ dịch bệnh. Chương trình này cung cấp người quản lý chuyến bay dành riêng cho các cá nhân và công ty, tiếp viên chuyên dụng để giảm khả năng tiếp xúc làm lây nhiễm Covid-19, chỗ ngồi giãn cách, các tiện ích riêng cho khách hàng, và không hề giới hạn số lượng chuyến bay. Việc thanh toán cũng được thực hiện sau chuyến bay theo hóa đơn hàng tháng với một khoản đặt cọc nhỏ, thay vì phải cam kết thuê máy bay hay chuyến bay dài hạn như trước đây.

Các hãng hàng không làm gì để 'kiếm tiền' thời Covid-19? - Ảnh 3.

VistaJet - hãng hàng không tư nhân ra mắt chương trình dành riêng cho doanh nhân hoặc cá nhân thời dịch bệnh.

Tại Việt Nam, tình hình kinh doanh của ngành hàng không có vẻ khá hơn so với các hãng bay nước ngoài nhờ vào nguồn khách nội địa.

Để hấp dẫn du khách, nhiều hãng hàng không Việt đã tung ra chương trình bán vé theo dạng trọn gói. Hình thức này từng được nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng để đẩy mạnh doanh thu ngắn hạn, bù đắp vào sự thiếu hụt dòng tiền trong những thời điểm khó khăn.

Cụ thể, Vietjet Air cho phép hàng khách đặt mua thẻ bay Power Pass không giới hạn số chuyến, với hai mức phí là gần 9 triệu đồng và gần 17 triệu đồng. Khách bay khi mua thẻ từ hãng sẽ được miễn phí 100% giá vé gốc, miễn phí 15kg hành lý ký gửi, 7kg hành lý xách tay và không giới hạn số lần bay trên tất cả chuyến bay nội địa của hãng trong suốt thời hạn hiệu lực của thẻ. Tuy nhiên, hành khách vẫn sẽ phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí và dịch vụ mua thêm nếu có nhu cầu.

Tương tự, Bamboo Airways cũng ra mắt thẻ bay Bamboo Pass không giới hạn số chuyến với giá 9,8 triệu đồng. Hành khách sở hữu thẻ được miễn phí 100% giá vé gốc trên các đường bay nội địa của Bamboo Airways, miễn phí 20 kg hành lý ký gửi, và 7 kg hành lý xách tay. Giống như thẻ bay của Vietjet Air, hành khách vẫn sẽ phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí.

Bên cạnh đó, các hãng cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn để thu hút khách nội địa, như Vietnam Airlines tung hàng loạt vé 99.000 đồng cho tất cả các chặng bay nội địa, Jetstar Pacific mở bán vé có giá khởi điểm từ 11.000 đồng, Vietjet Air tung vé 0 đồng sau đợt khuyến mại 9.000 đồng. 

Các hãng cũng bắt tay với những chuỗi khách sạn quốc tế và trong nước để đưa ra các combo bay – nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách.

Hồng Nhung
Ý kiến của bạn