Các hãng hàng không Mỹ thiếu phi công trầm trọng khi nhu cầu hành khách phục hồi nhanh

Thế giới 24H
02:50 PM 28/04/2022

Các hãng bay Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu phi công khiến họ buộc phải tăng tốc các chương trình huấn luyện, tuyển dụng phi công nước ngoài, thậm chí phải sử dụng xe buýt thay thế cho máy bay để vận chuyển khách ở những chặng ngắn.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, ngành hàng không Mỹ cần tuyển dụng trung bình 14.500 phi công mới mỗi năm cho đến năm 2030 để bắt kịp nhu cầu. Tuy nhiên, các hãng bay cho biết họ không có cách nào có thể thu hút số phi công nhiều như vậy do phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo phi công. Tệ hơn nữa, các chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu hụt phi công khó có thể kết thúc sớm.

“Thiếu phi công là vấn đề thấy rõ và hầu hết các hãng bay sẽ không thể tăng chuyến vì không có đủ phi công, ít nhất là trong 5 năm tới”,  Scott Kirby, Giám đốc điều hành hãng hàng không United Airlines cho biết. Do thiếu phi công, United Airlines có thể sẽ phải dừng hoạt động 150 máy bay ở các tuyến bay ngắn dù nhu cầu đi lại bằng hàng không nội địa tăng mạnh.

Các hãng hàng không Mỹ thiếu phi công trầm trọng khi nhu cầu hành khách phục hồi nhanh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Câu chuyện thiếu phi công không phải là vấn đề mới vì các hãng bay Mỹ đã đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân phi công ngay cả trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm nhân sự vào thời kỳ ban đầu của cơn suy thoái của ngành hàng không trong năm 2020 đã khiến ngành này không thể xoay trở kịp để chuẩn bị cho sự phục hồi. Hàng ngàn phi công đã chấp nhận các khoản bồi thường để tự nguyện nghỉ việc hoặc về hưu sớm khi chương trình trợ cấp liên bang giúp các hãng bay tránh sa thải nhân sự do không trang trải đủ chi phí lao động của họ, đặc biệt là những phi công lành nghề nhận mức lương đến sáu con số mỗi năm.

Hai năm sau cơn khủng hoảng do đại dịch COVID-19, các hãng bay Mỹ vẫn không thể tìm kiếm đủ phi công chất lượng để phục hồi các đường bay.

“Đây sẽ là một trong những lực cản lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không”, Ben Minicucci, Giám đốc điều hành Công ty hàng không Alaska Air Group, nói.

Các hãng bay đã phải thu hẹp việc nối lại các chuyến bay định kỳ trước đại dịch. Hãng United Airlines dự kiến công suất bay trong quý này giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, mức giảm này ở các hãng Delta Air Lines, American Airlines, Alaska Air lần lượt là 16%, 8% và 6%. Hãng JetBlue Airways cũng cho biết sẽ cắt giảm 10% lịch trình bay đã lên kế hoạch trong mùa hè này.

Vấn đề thiếu phi công càng trầm trọng hơn ở các hãng bay vùng (chỉ phục vụ một vùng nhất định trong nước), nơi đội ngũ phi công hao mòn dần do bị các hãng bay lớn hơn lôi kéo.

Các hãng bay vùng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách đi từ các thị trường nhỏ đến các sân bay lớn, nơi họ sẽ tiếp tục lên các chuyến bay của các đối tác lớn hơn. Các hãng bay lớn như American Airlines hay Delta Air Lines đã ký kết các thỏa thuận mua công suất bay của các hãng bay vùng để giúp họ tiếp cận hành khách từ các thị trường nhỏ hơn mà không cần phải trực tiếp vận hành các chuyến bay vùng.

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến mức tổn thất dịch vụ lớn như thế này kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Tôi dự kiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn trước khi cải thiện dù chúng ta có làm gì đi nữa”, Faye Malarkey Black, Giám đốc điều hành Hiệp hội các hãng bay vùng (RAA), đại diện cho 17 hãng bay vùng ở Bắc Mỹ, chia sẻ.

Do thiếu các chuyến bay vùng, một số hãng hàng không đang hợp tác với các dịch vụ thuê bao xe buýt trọn gói. United Airlines và American Airlines đã ký hợp đồng vận chuyển với Landline, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển hàng khách, có trụ sở ở bang Colorado, để chở hành khách và hành lý của họ trên những chiếc xe buýt cao cấp chạy ở một số chặng ngắn. Giải pháp này giúp họ sử dụng lượng phi công hạn chế cho các chặng bay dài hơn.

Các hãng hàng không khác chọn giải pháp tuyển dụng phi công nước ngoài. Hai hãng hàng không giá rẻ Breeze Airways and SkyWest đều đang tuyển dụng phi công từ Australia.

Ngành hàng không Mỹ cũng đang tăng lương để thu hút và giữ chân phi công. Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng của chi phí nhân sự có thể làm suy yếu mô hình kinh doanh của các hãng hàng không giả rẻ, vốn dựa vào các lợi thế chi phí thấp.

An Mai (Theo Bloomberg)
Ý kiến của bạn