Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch

Địa phương
08:21 PM 21/08/2021

Khó khăn thêm chồng chất, khi mà lao động ở các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch khiến công tác phòng chống COVID-19 tại địa phương càng thêm nặng nề, áp lực hơn. Bên cạnh đó, kiểm soát an ninh, đảm bảo dân sinh cũng là một vấn đề bất cập với các huyện miền núi Nghệ An trong thời gian này.

Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của đông đảo người dân khắp cả nước. Ở Nghệ An, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được triển khai một cách tích cực và kiên quyết hơn. Nhưng khó khăn thêm chồng chất, khi mà lao động ở các tỉnh miền Nam cũng về quê tránh dịch khiến công tác phòng chống COVID-19 tại địa phương càng thêm nặng nề, áp lực. Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh, dân sinh trên địa bàn cũng là một vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết.

Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch. - Ảnh 1.

Lượng lớn người lao động đi từ các tỉnh phía Nam đang trở về Nghệ An

Có thể nói, Nghệ An là một tỉnh có một số lượng lớn người lao động rời quê đi làm ăn xa. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lao động cùng một lúc hồi hương, đây là một khó khăn không nhỏ đối với địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi. Trong đó huyện Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An đang đối diện nhiều khó khăn trong việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho những lao động hồi hương, cũng như trong các khu cách ly trên địa bàn.

Huyện Kỳ Sơn có gần 17.000 công dân từ 14 tuổi trở lên rời khỏi địa bàn để đi học, hoặc đi làm ăn xa, trong đó phần lớn là đi làm công nhân, lao động ở một số tỉnh miền Nam. Theo số liệu thống kê từ ngày 6/5 đến ngày 20/8/2021 đã có 4952 công dân trở về, và con số này đang tiếp tục tăng lên. Điều này, gây nên áp lực lớn cho lãnh đạo địa phương trong nhiều hoạt động phòng chống dịch, cũng như công tác ổn định an ninh, trật tự dân cư trên địa bàn. Nhưng với tất cả trách nhiệm và chia sẻ, quê nhà luôn chào đón những người con của quê hương trở về. Mọi công tác đã được chuẩn bị sẵn sàng trong mọi khả năng, để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa giữ vững an ninh trật tự. Các điểm chốt được thiết lập, kiểm tra kiểm soát người ra, vào. Đặc biệt, tại các điểm chốt, công tác lấy mẫu test nhanh cho các công dân hồi hương cũng được nghiêm túc thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Ngay khi có tin lao động muốn về quê trách dịch, theo sự chỉ đạo cũng như vào cuộc của Ban Chỉ đạo chống dịch tỉnh, địa phương cũng đã lên phương án tiếp nhận lao động về quê. Khu cách ly cũng được nhanh chóng thiết lập, bắt buộc tất cả các công dân trở về từ vùng dịch phải cách ly đủ 14 ngày tại khu cách ly, và tiến hành đủ 4 lượt lấy mẫu test. Để tránh lây nhiễm chéo tại khu cách ly, chúng tôi sắp xếp những nhóm người về cùng nhau thì sẽ cách ly cùng một khu vực. Tuy nhiên, một phòng cũng chỉ bố trí 3-4 người, không tập trung đông người trong một phòng".

Nói về tinh thần, ý thức hợp tác của các công dân hồi hương, ông Nguyễn Hữu Minh cho biết thêm: "Kỳ Sơn là địa bàn rộng, đường núi cao hiểm trở nên công tác kiểm tra, kiểm soát cũng khó khăn hơn. Nhưng may mắn là bà con, đồng bào rất có ý thức và trách nhiệm thực hiện các khuyến cáo chống dịch. Có lẽ, mạo hiểm vượt đường xa để về quê tránh dịch, chính bản thân mỗi công dân cũng hiểu trách nhiệm chung để cùng nhau chống dịch. Vì vậy mà sau khi kết thúc cách ly tại khu cách ly, về nhà họ nghiêm chỉnh chấp hành cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa. Tại các bản cũng thiết lập đội tự quản, vận hành rất hiệu quả. Đây cũng là động lực để ban chống dịch địa phương có thêm tinh thần trong giai đoạn chống dịch nhiều khó khăn này".

Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch. - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhận quà ủng hộ từ anh em phóng viên, nhà báo Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, MTTQ tỉnh Nghệ An và các mạnh thường quân, cùng các đơn vị doanh nghiệp chuyển lên gồm 7000kg gạo, 550 thùng mì gói, 500 hộp khẩu trang y tế, 200 chai nước rửa tay sát khuẩn, 100 lít dung dịch đặc khử khuẩn, 300 hộp cá khô và lạc rim.

Kỳ Sơn là huyện miền núi xa nhất, và cũng là huyện còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, lao động địa phương trở về, tạo thành khó khăn "kép" đối với  địa phương. Ông Nguyễn Hữu Minh chia sẻ: "Vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các công dân tại khu cách ly, cũng như cách ly tại nhà vẫn đang là nỗi lo của địa phương. Trong thời điểm này, số lượng lao động từ các tỉnh về quê ngày càng nhiều, và tất cả phải thực hiện cách ly, không lao động sản xuất. Kỳ Sơn lại là huyện có đến 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nên huyện Kỳ Sơn rất cần sự hỗ trợ về nhu yếu phẩm, để đảm bảo bữa ăn cho các hộ gia đình thời điểm này".

Hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (tính đến ngày 20/8) đã ghi nhận 52 ca dương tính COVID-19 và đã hoàn thành điều trị là 11 người; với 476 người lao động thuộc F1 và 394 lao động thuộc F2. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn người dân chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Chính phủ nên các hoạt động chăn nuôi sản xuất của người dân cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian dài.

Đồng thời vẫn còn nhiều người lao động từ các vùng dịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước trở về địa phương với số lượng ngày càng nhiều. Có nguy cơ lây nhiễm cao dẫn đến người dân phải tổ chức cách ly (14 ngày tập trung và 14 ngày tại gia đình) gây ra nhiều áp lực hơn với địa phương trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.

Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch. - Ảnh 3.

Chị Võ Thi Minh Sinh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An đã ra tận nơi giao ủng hộ những thùng mỳ tôm cho đoàn

Nắm bắt được tình hình cũng như sâu sát thực tế tại từng địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã có sự tiếp ứng nhanh chóng và kịp thời. Những nhu yếu phẩm cũng như mặt hàng thiết yếu đã được chuyển giao, kịp thời hỗ trợ các địa phương đang khó khăn và các lực lượng tuyến đầu chống dịch còn nhiều thiếu thốn. Vai trò của Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An một lẫn nữa đã phát huy tối đa, khi là điểm cầu để kêu gọi và tiếp nhận mọi sự ủng hộ của cồng đồng, các mạnh thường quân cho công tác phòng chống dịch, cũng như hỗ trợ trực tiếp đến từng địa phương.

Thực hiện lời kêu gọi và vận động của Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An - cùng chia sẻ những  khó khăn với các huyện vùng cao trong lúc tình hình dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp. Đội ngũ nhà báo, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tại khu vực miền Trung đã tích cực ủng hộ bằng vật chất, nhân lực vật lực, đồng thời, kêu gọi sự đóng góp của các độc giả thân thiết và một số doanh nghiệp trên địa bàn, để cùng chia sẻ những khó khăn tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. 

Sau ba ngày, đội ngũ nhà báo, phóng viên tạp chí đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp từ độc giả và các mạnh thường quân, cụ thể như: Số lượng lớn khẩu trang từ chị Huệ (công tác tại đơn vị tiêm phòng vắc xin ở 72 đường Lý thường Kiệt), anh Hiệp, anh Tú..., nước rửa tay sát khuẩn từ chị Thảo, dung dịch sát khuẩn từ anh Võ Duẩn, 500 hộp cá rim lạc từ anh Kiên ở Công ty Tâm Quê và gạo, mỳ tôm từ các doanh nghiệp Công ty CP Đầu tư & Thương mại dầu khí Nghệ An (PVIT), Công ty CP đầu tư LANDCOM, Công ty TNHH Phong Luyến. Tất cả những sản phẩm của độc giả và các đơn vị đóng góp đã được Công ty Châu Phong Logistics tài trợ miễn phí vận chuyển giao đến Ban chỉ đạo chống dịch huyện Kỳ Sơn trong ngày 19/8/2021. 

Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch. - Ảnh 4.

Tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, đại diện các đơn vị ủng hộ, Nhà báo Vũ Thái Quảng trực tiếp chuyển trao 100kg gạo, 10 thùng mì gói và 200 hộp cá lạc rim tới các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ cách ly tại các điểm cách ly tập trung trên địa bàn xã.

Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều lao động xa quê vẫn đang tiếp tục hồi hương. Công tác phòng chống dịch bệnh tại các huyện, xã nói riêng, và Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh Nghệ An nói chung sẽ có nhiều khó khăn và áp lực hơn. Và vai trò của Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An cũng trở nên cấp thiết hơn trong công tác kêu gọi, kết nối sự ủng hộ từ cộng đồng, nhà tài trợ để hỗ trợ người dân ổn định, yên tâm và nâng cao trách nhiệm chống dịch. Trong cuộc chiến còn nhiều cam go này, tinh thần đoàn kết và truyền thống "tương thân tương ái" vẫn luôn là "kim chỉ nam" và là sức mạnh để chúng ta kiên trì chiến đấu và giành thắng lợi. 

Minh Tú - Lê Dung
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.