Các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là đơn chức năng, tập trung phần lớn vào sản xuất
Sáng 20/9, tại tọa đàm ““Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp”, các chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp đã thảo luận về những hạn chế cũng như xu hướng mới trong việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam hiện nay.
Hạn chế của việc phát triển các KCN tại Việt Nam hiện nay
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc, Bộ Xây dựng đã đề cập đến hai mô hình đầu tư của phần lớn các KCN tại Việt Nam.
Thứ nhất, mô hình “may sẵn”: Tức là, phía Việt Nam chuẩn bị sẵn theo hướng đa ngành rồi đón các doanh nghiệp vào thuê đất và tiến hành xây dựng nhà máy.
Thứ hai, mô hình “may đo”: Mô hình đầu tư đồng bộ khi mà biết rõ được nhà đầu tư muốn phát triển theo hướng nào để triển khai theo.
Song, hiện nay các KCN tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phục vụ cho nhóm đối tượng, nhóm nhu cầu nên việc phát triển chủ yếu là theo hướng đa ngành. Ông Vũ Anh Tú cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay cũng muốn điều chỉnh Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng như làm rõ hơn các loại hình KCN mới.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc cũng đồng tình với Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền về những bất cập trong chính sách. Cụ thể, hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa pháp luật và việc thực tiễn thực hiện.
Ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc, Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo. Ảnh chụp màn hình
Ông Vũ Anh Tú có lấy ví dụ về việc khi lập kế hoạch xây dựng KCN sinh thái, Việt Nam vẫn chưa xác định tiêu chí để đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng. Từ góc độ quản lý nhà nước, ông cho rằng vẫn còn những khoảng trống về vấn đề này.
Trước đây, Việt Nam thường ở phía thụ động, tức là làm sẵn các KCN rồi chờ đợi các nhà đầu tư đến. Tức là, Việt Nam đang phần lớn đi theo mô hình “may sẵn”. Khi trình độ phát triển ngày càng cao như hiện nay, mô hình “may sẵn” không còn phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu và xu hướng mới.
Trước những bất cập này, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Vũ Anh Tú đã đưa ra giải pháp như sau. Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển mô hình KCN, cụ thể là mô hình “may đo”, bằng cách xác định rõ được nhu cầu, xu hướng hiện tại cũng như đối tượng nhà đầu tư hướng đến.
Ông Vũ Anh Tú cũng nhấn mạnh rằng, xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay là các KCN với mô hình theo hướng chuyên biệt. Việt Nam cũng cần cân nhắc lại định hướng các mô hình KCN chuyên ngành tại Việt Nam để không bị thụt lùi.
Mô hình KCN chuyên ngành, đa chức năng để "đón gió" đầu tư mới
Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại các KCN trên các tỉnh thành đã tiến hành mô hình “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, mô hình “3 tại chỗ” đã gặp phải bất cập khi phần lớn các nhà máy không được thiết kế cho mục đích lưu trú lâu dài.
Về mô hình chức năng của các KCN hiện tại, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc có nói: “Các khu công nghiệp hiện nay vẫn chỉ là đơn chức năng, tập trung phần lớn chức năng vào sản xuất, một phần nhỏ ở theo hình thức nhà ở cho công nhân. Mô hình này mới chỉ là ở và làm việc, chứ không phải sống và làm việc.”
Theo ông, để đáp ứng được các nhu cầu và sự thay đổi mới, Việt Nam cần cân nhắc đến mô hình KCN đa chức năng. Tức là, việc hình thành lối sống công nghiệp mới bao gồm sống, làm việc, nghỉ ngơi một cách đồng bộ và chất lượng.
Mô hình mới này được đề xuất hình thành dựa trên 5 yếu tố sau: văn hóa, trình độ lao động, nhu cầu hội nhập, công nghệ sản xuất, và trình độ phát triển về cơ sở hạ tầng. Theo đánh giá của ông Vũ Anh Tú, mô hình này tương đối gần với mô hình dịch vụ.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có những kế hoạch trong thời gian tới để đồng bộ được mô hình chức năng này với mô hình đầu tư. Từ 2018 đến nay, tại Việt Nam KCN đô thị dịch vụ vẫn còn rất là mới, có nhiều quy định ràng buộc nên việc thực hiện còn là một vấn đề khó.
Đặng SơnNăm 2024, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc với tổng kim ngạch thương mại Hàn Quốc - Việt Nam tăng 9,2% từ mức 79,4 tỷ USD năm 2023 lên 86,7 tỷ USD năm 2024.