Các loại bánh đặc sản dân gian Việt Nam
Nói đến ẩm thực Việt Nam, người ta thường nhớ đến những món ăn nổi tiếng như phở, bánh mì... thế nhưng các loại bánh đặc sản dân gian lại khiến du khách ăn một lần nhớ mãi. Những loại bánh mang tính truyền thống thơm ngon với nhiều hình dạng, hương vị đặc trưng ở mỗi vùng miền đã tạo nên một nền ẩm thực đa dạng, phong phú cho Việt Nam chúng ta.
Bánh lá gai
Bánh lá gai là loại bánh truyền thống, có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Bộ. Thông thường, bánh lá gai thường được làm từ bột gạo nếp và lá cây gai trộn chung để làm vỏ bánh. Đó là lý do vì sao bánh có màu đen huyền. Bao bọc bên trong là nhân đậu xanh với dừa nạo sợi, hoặc hạt sen. Bánh được gói bằng một lớp lá chuối, loại lá truyền thống của dân tộc. Đây có thể nói là loại bánh đã góp phần làm nên nét đặc sắc cho ẩm thực Việt Nam.
Bánh tằm khoai mì
Bánh tằm khoai mì là cái tên quen thuộc của người dân Nam Bộ, món bánh dân dã nàygắn liền với tuổi thơ của người dân nơi đây. Bánh có hình dáng thon dài, nhiều màu sắc được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì trộn với dừa sợi và nước cốt dừa. Bánh được thưởng thức chung với mè rang, đường trắng và nước cốt dừa.
Bánh lăn
Bánh lăn có vẻ không còn quá xa lạ với nhiều gia đình miền Trung, loại bánh dân dã, rẻ tiền thường được người dân dùng để cúng tổ tiên vào những dịp Tết đến xuân về. Nguyên liệu chính là nếp thơm dẻo được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn với nước đường cho tới khi dẻo lại. Điều làm cho món bánh đặc biệt là những loại trái cây, rau củ như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng, dứa,... Tất cả được cắt mỏng, cho vào chảo rim với đường cho tới khi mứt đặc lại. Cuối cùng, bột nếp và mứt được nén, lăn thành khối trụ dài, khi ăn cắt thành từng khoanh nhỏ nhiều màu sắc.
Bánh đúc lạc
Bánh đúc lạc là món ăn dân dã mang đậm nét truyền thống Việt Nam và đặc biệt phổ biến ở miền Bắc. Món bánh được làm từ bột gạo pha với ít nước vôi tôi và để tô điểm cho bánh người ta đã thêm những hạt lạc tạo cảm giác ngon mắt, đặc biệt cho món ăn. Bánh đúc lạc sẽ ngon hơn khi được chấm với tương bần sẽ tạo ra hương vị thanh tạo, bình dị, mang đậm hồn quê Việt. Bạn có thể mua bánh như một món quà quê để tặng cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức.
Bánh cuốn ngọt
Khắp nơi ở miền Tây, ta có thể bắt gặp những thúng bánh cuốn ngọt được rao bán, từ chợ huyện hay bến phà. Bánh được làm từ bột gạo tráng mỏng và dai dai, bên trong là có thể là đậu xanh, dừa bào hay khoai môn thơm béo, được rắc lên trên là muối mè, muối đậu.
Bánh phu thê
Bánh phu thê là loại bánh ngọt cổ truyền ở Việt Nam. Bánh được làm bằng tinh bột gạo nếp vàng, cùng với nhân bánh đậu xanh, sợi dừa tạo cảm giác giòn dai của vỏ bánh, kết hợp với cảm giác ngậy béo, sần sật của nhân. Ở nhiều nơi tại Việt Nam bánh được sử dụng như một lễ vật đựng trong các tráp ăn hỏi. Trong đám cưới người ta cũng dùng bánh này làm món tráng miệng.
Bánh lá mơ
Nhắc tới các loại bánh ở miền Tây, bánh lá mơ là loại bánh dân dã, mộc mạc được người dân vùng sông nước yêu thích. Bánh được làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, lá mơ, nước cốt dừa. Chỉ với ba thứ nguyên liệu tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại đòi hỏi rất nhiều tỉ mỉ, cẩn thận để làm. Bánh sau khi làm xong thường có màu xanh đậm lạ mắt, mỏng, dẹp và dài. Khi ăn, bánh có vị thơm béo, ngọt nhẹ và giòn, thường được kết hợp với nước cốt dừa.
Bánh tro
Món bánh tro thơm ngon, vàng óng ăn cùng với mật mía ngọt là món bánh truyền thống được rất nhiều người ưa thích ở Việt Nam. Để tạo ra bánh tro, người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn. Gạo nếp phải được ngâm với nước tro. Sau đó dùng lá dong để gói bánh rồi mang đi nấu chín. Loại bánh này khi ăn có hương vị dẻo thơm, man mát đậm đà khó quên
Khánh TrânTheo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.