Các ngân hàng cần chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền

Tài chính - Đầu tư
01:19 PM 09/02/2023

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2, các doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận rủi ro trên thị trường hiện nay mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, gần như mạnh nhất thế giới; thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định pháp luật dẫn đến một số khó khăn nhất thời. Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bị khủng hoảng mạnh.

Không có chuyện thiếu room tín dụng

Theo đại diện của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, dòng vốn vào thị trường BĐS đến từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng; song việc huy động vốn của doanh nghiệp BĐS qua thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Sẽ kiểm tra việc cấp tín dụng đối với dự án sân sau tại các ngân hàng - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm. Ảnh: SBV

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, con số tăng trưởng tín dụng 14,17% cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đã được đáp ứng phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thời điểm các ngân hàng kiến nghị nới hạn mức tín dụng (room) thì chưa hết room, còn đến 1,5% mà các ngân hàng thương mại chưa cho vay hết. Việc các ngân hàng thương mại sử dụng room được cấp ra sao là do nội bộ các ngân hàng điều phối.

"Đến cuối năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước thấy cần mở hơn nữa, Thống đốc quyết định nới thêm 1,5-2% hạn mức tăng trưởng của năm 2022, nhưng cũng không dùng đến phần đó. Năm 2023 dự kiến tăng trưởng tín dụng là 14-15%", ông Tú nói.

Liên quan tới vấn đề room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định không có quy định room riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, bởi lẽ tình trạng này thường rơi vào cuối năm. Do đó, lúc này không thể nói là không vay được do room không có.

Theo con số đưa ra tại Hội nghị của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế , đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các TCTD đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 5 năm qua), tỷ lệ nợ xấu là 1,81%. Trong đó, dư nợ tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 68% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 32% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Thông tin tại Hội nghị, theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, cho đến hết ngày 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực bất động sản thiếu room.

Trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% cho với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Đáng chú ý, dư nợ bất động sản khu công nghiệp tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này.

Đại diện Vietcombank cũng cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.

5 thông điệp của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Các doanh nghiệp BĐS lớn tham dự Hội nghị đã kiến nghị tổng cộng 17 ý kiến, trong đó tập trung vào vấn đề về bổ sung các quy định về vay vốn, hình thức giải ngân, kiểm soát dư nợ, giãn nợ (đa số kiến nghị 24 – 36 tháng), mở room tín dụng riêng, cho vay với BĐS du lịch, kéo dài thời gian cho vay dài hơn thời gian thực hiện dự án, cơ cấu lại khoản vay…

Phát biểu luận Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng.

Sẽ kiểm tra việc cấp tín dụng đối với dự án sân sau tại các ngân hàng - Ảnh 2.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nêu 5 thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: SBV

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: "Các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền. Xem xét cấp tín dụng với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà, các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS. Chủ động kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ dầy đủ đúng hạn, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà ở cùng một dự án.

Kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá lũng đoạn thị trường BĐS. Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD cho vay chéo… để cân đối tỷ trọng dư nợ ấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cũng như sử dụng vốn. Và nhất là việc cấp tín dụng với các doanh nghiệp, tập đoàn dự án sân sau. Đây là điểm rất quan trọng, các cấp có thẩm quyền đang tập trung chỉ đạo và rất quan tâm".

Người đứng đầu NHNN phân tích: Nếu như tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp, mức độ tập trung lớn có rủi ro, các TCTD phải rất lưu ý. Các TCTD cũng cần nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng nhất là đối với các doanh nghiệp có trái phiếu BĐS, phát hành đến hạn thanh toán, thực hiện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành của NHNN.

Kết luận tại Hội nghị, vị đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng nêu 5 thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung. Kinh tế vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp gặp khó khăn. Chắc chắn khi đó, các cơ quan quản lý sẽ phải áp dụng chính sách kinh tế vĩ mô, đôi khi chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, đây là sự đánh đổi. Tại các nước, bản thân doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kinh doanh của mình.

"Trong một cuộc họp, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói có doanh nghiệp hiện đang ngồi đây triển khai cùng một lúc trên 50 dự án liền. Nếu đồng thời triển khai mấy chục dự án liền thế thì khi khó khăn có chủ động được hay không? Thì giải pháp nào để tháo gỡ cho tất cả dự án đó?", Thống đốc nói.

Thứ hai, mong muốn doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy tài chính cao cần quản trị dòng tiền của mình. Doanh nghiệp có nhiều tài sản lớn nhưng chỉ vào một thời điểm cần tiền. Nhưng bán dự án bất động sản đâu có dễ, nó phụ thuộc người mua, thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính không thể có ngay thanh khoản. Quản trị dòng tiền cần bài bản, có dự báo thì mới chủ động trong mọi tình huống.

"Giờ đây ví dụ 1 cá nhân đi vay 10 người mà cùng một lúc 10 người đến đòi nợ thì cá nhân cũng rơi vào thế khó chứ đừng nói đến quy mô doanh nghiệp. Trong hoạt động ngân hàng cần đảm bảo làm sao khi người dân đến rút tiền cần có ngay, cũng phải quản trị tốt", bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thứ ba, các giải pháp tháo gỡ từ các bộ ngành, cơ quan quản lý. Bản thân các doanh nghiệp cần quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, khả năng tiêu thụ sản phẩm để có điều chỉnh phù hợp để có khả năng trả nợ ngân hàng.

Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hoá khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng, nhất là vốn trung - dài hạn. Nếu trong trường hợp lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt thì doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thứ năm, Chính phủ quan tâm việc hướng tín dụng vào bất động sản vào nhà ở giá rẻ, nhà cho công nhân, nhà ở xã hội… mong các doanh nghiệp tích cực tham gia triển khai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuộc họp tín dụng bất động sản hôm nay là đầu vào quan trọng cho Hội nghị tháo gỡ thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng đang chuẩn bị cho Thủ tướng chủ trì trong thời gian tới.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.