Các ngân hàng giữ lượng CASA cao bằng cách nào?
Cuộc đua tăng tỷ lệ Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang trở nên ngày càng nóng giữa các ngân hàng. Họ đã và đang làm gì để thu hút tài nguyên CASA?
Hiện nay, 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm: Agribank Vietcombank, Vietinbank, BIDV có tệp khách hàng lớn. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào trong nhóm này cũng có tỷ lệ CASA cao. Thay vào đó, nhóm NHTM cổ phần đang dẫn đầu, chiếm ưu thế trên "đường đua" CASA như Techcombank và MB.
Cụ thể, top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA dẫn đầu thị trường bao gồm: Techcombank đang duy trì ở mức hơn 46%; MB tiếp tục gia tăng tỷ lệ CASA lên mức 39%; chỉ duy nhất ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank lọt vào nhóm này khi có tỷ lệ CASA khoảng 30%; tiếp đến là ACB: 21,5%; TPBank: 19,4%.
Tỷ lệ CASA lớn giúp các NHTM "pha loãng" chi phí huy động vốn và cải thiện lãi biên, phản ánh nền tảng lớn trong phát triển các dịch vụ thanh toán và ngân hàng số, cũng như cho thấy tiềm năng kết nối bán chéo sản phẩm dịch vụ…
Một điều dễ nhận thấy là những ngân hàng đầu tư mạnh cho chuyển đổi số đang có lợi hơn trên "đường đua" CASA, bởi khi càng có nhiều dịch vụ vừa tiện, vừa rẻ, sẽ càng có nhiều người lựa chọn đó là ngân hàng chính và để tiền giao dịch thường xuyên hơn.
Với quy mô lớn và không ngừng mở rộng, cuộc đua nắm thị phần nguồn vốn này trở nên quyết liệt giữa các NHTM.
Các ngân hàng đang làm gì để "hút" được nhiều CASA? Câu trả lời tùy vào chiến lược của mỗi ngân hàng, nhưng có điểm chung các NHTM đang hướng đến: phát triển ngân hàng số, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng ở tất cả các sản phẩm, dịch vụ...
Hiện nay, nhiều ngân hàng có quy mô lớn cũng vào cuộc cạnh tranh khi đưa ra chương trình phí giao dịch trực tuyến 0 đồng.
Ví dụ, tại Techcombank, chính việc bùng nổ các dịch vụ thanh toán số đã kích thích người dân để số dư tiền trong tài khoản nhiều hơn.
"Số lượng giao dịch tại ngân hàng chúng tôi tăng trưởng hơn 100%, với nhu cầu như: chuyển khoản, thanh toán các tiện ích, khách hàng có thể quản lý tài chính, thực hiện giao dịch trên nền tảng số", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển và Quản lý Hợp kênh Ngân hàng bán lẻ Techcombank chia sẻ với Tạp chí Tài chính.
Để cạnh tranh thu hút người dùng, các ngân hàng đua nhau miễn phí chuyển tiền. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, ngân hàng đưa ra điều kiện người dùng phải duy trì số dư tối thiểu một vài triệu đồng. Theo đó, nhờ quy định tài khoản có số dư tối thiểu 2 triệu đồng để người dùng được miễn phí giao dịch banking mà số dư CASA của Techcombank tăng trưởng mạnh mẽ 60,6%...
Những năm gần đây, khi dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ thì nhu cầu mở “tài khoản CASA” càng nhiều. Khách hàng dùng tài khoản này để thanh toán không chỉ những dịch vụ thiết yếu (điện, nước, internet, truyền hình…) mà cả những hóa đơn mua sắm hàng hóa từ những món đồ nhỏ lẻ, đến sản phẩm xa xỉ… thì tất yếu số dư trong tài khoản CASA của mỗi khách hàng cũng tăng. Đặc biệt, khi COVID-19 xuất hiện khiến nhu cầu giao dịch không tiếp xúc tăng; lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kỷ lục cũng là điều kiện thuận lợi để các NHTM tăng tỷ lệ CASA.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định duy trì số dư trong tài khoản chính là "mỏ" khai thác CASA của ngân hàng. Bởi ngân hàng chỉ phải chi trả mức lãi suất trong tài khoản cho khách hàng từ 0,2-0,5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với khách hàng gửi theo kỳ hạn, giúp các ngân hàng tối ưu hóa chi phí, cải thiện được tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Việc có được nguồn vốn giá rẻ dồi dào không chỉ đem lại lợi ích cho ngân hàng mà thông qua đó, khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất cho vay đầu ra thấp hơn.
Ưu thế là lãi rẻ hơn so với huy động có kỳ hạn, nhưng nhược điểm là khách có thể rút ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, để giữ được lượng CASA, các ngân hàng cần chú trọng hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, khách hàng tổ chức mới là “mỏ CASA”. Bởi, với khách hàng tổ chức, tiền gửi ký quỹ và tiền gửi thanh toán sẽ được hưởng mức lãi suất phổ biến là 0,20%/năm. Tuy nhiên, đối với tài khoản thấu chi và nhiều loại tài khoản khác, dù có số dư lên đến tỷ đồng thì mức lãi suất vẫn là 0%.
Chia sẻ với báo chí TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết, người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ lúc nào, nhất là nhu cầu thanh toán hiện nay tương đối sôi động. Vì vậy, ngân hàng phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhiều hơn trong thời gian sắp tới như dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng số.
Ngoài ra, khi ngân hàng có các giải pháp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng, thì họ sẽ tin tưởng sử dụng các giao dịch, các chỉ số điểm tín dụng tốt hơn. Từ đó giúp ngân hàng giảm chi phí về rủi ro.
Hoài Thương (Tổng hợp)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.