Các ngân hàng tập trung nâng tỷ trọng bán lẻ

Ngân hàng
08:49 AM 17/06/2024

Nhiều ngân hàng kiên định với định hướng đẩy mạnh bán lẻ với những chiến lược riêng nhằm giữ chân khách hàng lâu dài.

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, internet cao và số lượng người giàu tăng nhanh trong khu vực và trên thế giới.

Các ngân hàng tập trung nâng tỷ trọng bán lẻ- Ảnh 1.

Nhận thấy tiềm năng cho sự phát triển của bán lẻ, từ lâu các ngân hàng đã thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ bán lẻ với những chiến lược riêng. Trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước, Agribank hướng đến mở rộng đối tượng khách hàng nông thôn, Vietcombank phát triển ngân hàng bán lẻ toàn diện... Trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, Techcombank tập trung đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ cho phân khúc trung lưu, phục vụ tệp khách hàng trẻ; VIB tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt; VPBank phủ rộng mọi phân khúc…

Với Vietcombank, 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn của ngân hàng này là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư. Về lâu dài, bán lẻ vẫn là chiến lược quan trọng của Vietcombank.

Còn chiến lược dài hạn của Techcombank là chuyển dịch sang cho vay khách hàng bán lẻ, từ đó giúp đa dạng hóa cơ cấu tín dụng, củng cố nền tảng quản trị rủi ro, cải thiện nền tảng vốn.

Trong lĩnh vực bất động sản, Techcombank cung cấp khoản vay cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở. Khi dự án triển khai, dòng tín dụng sẽ chảy đến các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, cuối cùng đến những người mua nhà tại dự án. Như vậy, dòng tiền luôn được lưu thông trong hệ thống tài khoản Techcombank, phân tán rủi ro trên một tệp khách hàng đa dạng trong cả chuỗi giá trị.

Mới đây, Ngân hàng MB đặt mục tiêu nâng tỷ trọng bán lẻ lên trên 50% trong năm 2024. MB theo đuổi chiến lược chuyển dịch sang mảng bán lẻ để tận dụng lợi thế về tệp khách hàng lớn trong hệ sinh thái của ngân hàng.

Tại Ngân hàng ACB, nhiều năm qua, ACB dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ, đạt gần 94%, còn mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh khối khách hàng doanh nghiệp lớn.

Đặc biệt, HDBank kiên định với chiến lược bán lẻ đa năng, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tài chính tiêu dùng nên đây là một trong những động lực chính giúp Ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng lợi nhuận kép bình quân 49,1%/năm.

Trọng tâm của các ngân hàng bán lẻ là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng, phát triển theo cách thu hút người dùng thông qua những trải nghiệm độc đáo mà ngân hàng đem lại. Sản phẩm về bán lẻ của các ngân hàng cơ bản đều giống nhau gồm tiền gửi, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, bảo hiểm…, điều làm nên sự khác biệt là trải nghiệm người dùng. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, việc xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số là xu hướng tất yếu để thu hút khách hàng, tạo ra sự khác biệt giữa các nhà băng.

Việc đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ trong định hướng kinh doanh nhằm hướng đến khai thác dịch vụ các nhà băng cung cấp, đồng thời tận dụng lượng lớn CASA được sử dụng trong giao dịch của khách hàng, giảm chi phí vốn. Mặt khác, việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ cũng giúp các ngân hàng phân tán rủi ro hệ thống.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn