Các ngân hàng trung ương trên thế giới lần đầu tiên ồ ạt bán vàng kể từ năm 2010
Gần như tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bán ra đều là tận dụng giá vàng đang ở mức cao khi mà ngân sách của họ gặp khó khăn.
Lần đầu tiên sau 10 năm, đồng loạt các ngân hàng trung ương (NHTW) ồ ạt trở thành những người bán vàng trong bối cảnh một số quốc gia cố gắng tận dụng mức giá vàng đang ở gần mức cao kỷ lục để có thêm nguồn lực giảm thiểu những tác động mà đại dịch Covid-19 gây nên.
Theo thống kê từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong quý III các NHTW đã bán ròng tổng cộng 12,1 tấn vàng, trong khi cùng kỳ năm ngoái họ mua ròng 141,9 tấn.
Trong đó, Uzebekistan và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước bán nhiều nhất. NHTW Nga cũng có quý bán ròng đầu tiên trong 13 năm trở lại đây.
Trong quý III, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan đã bán ra lần lượt 22,3 và 34,9 tấn vàng. Đang dần mở cửa sau nhiều thập kỷ bị cô lập về kinh tế, Uzbekistan đang đa dạng hóa dự trữ ngoại hối thay vì chỉ tập trung vào vàng như trước.
Trong hoàn cảnh hiện nay, các NHTW đang trông cậy vào kho dự trữ vàng của họ. Gần như tất cả các NHTW đang bán ra đều là tận dụng giá vàng đang ở mức cao khi mà ngân sách của họ gặp khó khăn.
Quý III năm nay, giá vàng đã leo lên mức cao kỷ lục bất chấp nhu cầu vàng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ 2009. Nguyên nhân chính là do nhu cầu vàng trang sức của Ấn Độ giảm tới 50% và sức tiêu thụ vàng của Trung Quốc cũng yếu đi.
Mặc dù dòng tiền đổ vào các quỹ ETF là nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên cao kể từ đầu năm đến nay, lực mua của các NHTW cũng đã giúp nâng đỡ giá vàng trong suốt mấy năm gần đây. Tháng trước Citigroup dự báo nhu cầu của các NHTW sẽ hồi phục trở lại trong năm 2021 sau khi giảm nhẹ trong năm nay. Cả năm 2018 và 2019 các NHTW đều mua vào lượng vàng kỷ lục.
Tuy nhiên sự sụt giảm trong nhu cầu vàng trang sức đã được bù đắp một phần bởi mức tăng 21% trong nhu cầu từ các nhà đầu tư, theo WGC. Vàng thỏi và các đồng xu vàng đóng góp phần lớn đà tăng, trong khi dòng tiền vào các quỹ ETF vàng đã chậm lại so với các quý trước.
Tổng nguồn cung vàng của thế giới sụt giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động khai thác vẫn suy giảm bất chấp các lệnh phong tỏa do Covid-19 ở một số nước sản xuất vàng như Nam Phi đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên điều này phần nào được bù đắp bởi nhu cầu chốt lời của người tiêu dùng và yếu tố mùa vụ.
Dương DươngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.