Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”. Ngày 22/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 5490 về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng thuộc Công an nhân dân Việt Nam. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát PCCC trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự đất nước.
Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10) hằng năm chính là dịp để nhắc nhở cho toàn dân biết được trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC. Chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong việc triển khai các hoạt động PCCC và CNCH. Góp phần phòng ngừa, hạn chế cháy, nổ, tai nạn sự cố xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Sau chiến thắng lịch sử vang dội Điện Biên Phủ, Hiệp định đình chiến Giơnevơ được ký kết, Pháp theo thoả thuận tiến hành chuyển giao Hà Nội, rút những nhánh quân đội cuối cùng khỏi nơi đây. Sáng 10/10/1954, dưới rừng cờ hoa hân hoan chào đón của 20 vạn người dân, đoàn hùng binh đã anh dũng chiến đấu trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân khải hoàn về thủ đô Hà Nội.
Những hình ảnh ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội do thiếu tướng Vương Thừa Vũ - tư lệnh Sư đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308) làm Chủ tịch cùng bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch được thành lập theo Nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý thành phố.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, thủ đô Hà Nội sạch bóng quân thù, chính thức được giải phóng hoàn toàn, từ đây bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ngày 10/10/1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL, trong đó bao gồm các quy định về luật sư và tổ chức luật sư đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập. Sự kiện này đã đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển mạnh mẽ sau này cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam với sứ mệnh bảo vệ công lý, cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng cũng như đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận truyền thống vẻ vang, tốt đẹp của ngành và những đóng góp to lớn của đội ngũ luật sư cho đất nước trong nhiều năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 14/01/2013, trong đó ghi rõ lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam.
Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc chọn ngày này mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc vì đó là thời điểm mà 59 năm về trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, ngay sau khi diễn ra sự kiện trọng đại Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Đây là dịp để chúng ta tôn vinh các thế hệ doanh nhân, động viên mọi tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Hội Nông dân Việt Nam hiện nay là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày kỷ niệm thành lập tổ chức là ngày 14 tháng 10 hằng năm, được chọn theo sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam. Đó là ngày Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thông qua Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) trong năm 1930.
Ngày 15 tháng 10 năm 1956, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ra đời tại Đại hội thành lập tổ chức diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, khẳng định rõ tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc hoạt động của mình là đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam để cùng nhau phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau này, ngày 15 tháng 10 mỗi năm cũng được chọn làm mốc thời gian kỉ niệm thành lập và là ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Trải qua nhiều năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vẫn không ngừng lớn mạnh, giữ vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, xứng đáng trở thành tổ chức xã hội đại diện của thanh niên, góp phần không nhỏ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngay từ những năm 1930, Đảng ta đã sớm nhận định rõ phụ nữ là lực lượng có vai trò quan trọng của Cách mạng. Vì vậy nên việc cấp thiết trước mắt là phải hình thành đoàn thể Cách mạng riêng cho nhóm đối tượng này để đoàn kết, thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã chính thức được thành lập.
Sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức để đánh dấu mốc sự kiện quan trọng này. Đây cũng được xem là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, với tên gọi chính thức là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
Vào dịp này, các cá nhân, tổ chức, đoàn thể sẽ dùng nhiều cách để bày tỏ sự quan tâm, kính trọng, vinh danh phái đẹp, phổ biến nhất là tặng hoa, quà và thiệp kèm những lời chúc mừng ý nghĩa.
Halloween là một lễ hội truyền thống lớn của người phương Tây, diễn ra vào ngày 31 tháng 10 hằng năm, trước thời điểm diễn ra Lễ Các Thánh (1/11 Dương lịch) - lễ trọng trong năm của người Công giáo. Đây là ngày lễ để mọi người, đặc biệt là các Kitô hữu thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với những người quá cố, bao gồm cả các vị Thánh, các vị tử đạo, các tín hữu trung kiên và tất cả người thân đã qua đời.
Halloween còn là ngày được tổ chức để đánh dấu sự kết thúc của vụ mùa thu hoạch, chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá.
Trước đây Halloween chỉ phổ biến chủ yếu ở các nước phương Tây và trong cộng đồng người Công giáo, thì nay lễ hội này đã du nhập dần vào nhiều nền văn hoá khác nhau, trở thành một sự kiện thường niên được nhiều người mong đợi trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với giới trẻ - đối tượng luôn bị hấp dẫn bởi những trò chơi kỳ bí, những bữa tiệc hoá trang rùng rợn cùng hình ảnh trái bí ngô đèn lồng, phù thuỷ ma mị,...
01/10: Ngày Quốc tế Người cao tuổi (International Day of Older Persons).
02/10: Ngày Quốc tế Không bạo động (International Day of Non-Violence).
04/10: Ngày Môi trường sống Thế giới (World Habitat Day).*
05/10: Ngày Nhà giáo Thế giới (World Teachers' Day).
09/10: Ngày Bưu chính Thế giới (World Post Day).
11/10: Ngày Quốc tế Trẻ em gái (International Day of the Girl Child).
13/10: Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai (International Day for Disaster Reduction).
14/10: Ngày Tiêu chuẩn Thế giới (World Standards Day).
15/10: Ngày Quốc tế Phụ nữ Nông thôn (International Day of Rural Women). 16/10: Ngày Lương thực Thế giới (World Food Day).
17/10: Ngày Quốc tế Xóa nghèo (International Day for the Eradication of Poverty).
24/10: Ngày Liên Hợp Quốc (United Nations Day).
24/10: Ngày Thông tin về Phát triển Thế giới (World Development Information Day).
27/10: Ngày Thế giới về Di sản Nghe nhìn (World Day for Audiovisual Heritage).
31/10: Ngày Thành phố trên Thế giới (World Cities Day).
* Lưu ý: Ngày Môi trường sống Thế giới diễn ra vào thứ Hai đầu tiên của tháng 10 và trong năm 2021 thì là ngày 4 tháng 10 Dương lịch.
Thực hiện: Quỳnh Vi