Các nhà bán lẻ thành công đã làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh COVID-19

Kinh doanh
06:42 AM 20/11/2020

Một nhà quan sát cho biết, bất chấp thời điểm đầy những thách thức bởi đại dịch COVID-19, một số nhà bán lẻ không chỉ tồn tại mà còn phát triển rất mạnh mẽ.

Các nhà bán lẻ thành công đã làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 1.

Mọi người xếp hàng dài để vào một cửa hàng Apple khai trương ở Bắc Kinh vào tháng7. Ảnh: AFP

Trong khi một số thương hiệu nổi tiếng như JCPenney, Neiman Marcus, J Crew và gần đây là Robinson's Singapore đang ngừng hoạt động, một số nhà bán lẻ khác như Decathlon và IUIGA lại đang mở thêm các cửa hàng mới. 

Ở những nơi khác trên thế giới, Target- một nhà bán lẻ đa sản phẩm của Hoa Kỳ, đã chứng kiến doanh số bán hàng tại cửa hàng tăng 24,3% và doanh số bán hàng online tăng 195% từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Hay các thương hiệu cao cấp dọc theo đường Orchard, Singapore đang chứng kiến sự trở lại của rất nhiều hàng hóa. Vậy, những nhà bán lẻ này đang làm gì để tồn tại và phát triển mạnh mẽ đến như vậy? Dưới đây là 6 cách quan trọng mà các nhà bán lẻ đã áp dụng để thành công

1. Sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh 

Các nhà bán lẻ thành công trong thời kỳ COVID-19 về cơ bản phải cung cấp được các sản phẩm độc đáo với giá tốt, hoặc chất lượng cực kỳ tốt.

Mặc dù Apple không cung cấp điện thoại giá rẻ, nhưng chất lượng sản phẩm của họ hiếm khi bị nghi ngờ.

Tương tự, LVMH và Tiffany & Co, với các dòng túi xách và đồ trang sức mới được thiết kế để thu hút giới trẻ, cho thấy họ tiếp tục đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng như thế nào, thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ về doanh số bán hàng tại Trung Quốc.

Ngoài hàng xa xỉ, các nhà bán lẻ như Target, IKEA và Decathlon tiếp tục phát triển bằng cách cung cấp cho khách hàng các lựa chọn sản phẩm có giá rất cạnh tranh.

Rõ ràng, từ góc độ khách hàng, những điều cơ bản của việc mua sắm vẫn được giữ nguyên bất chấp đại dịch. 

2. Mua sắm đa kênh

Các nhà bán lẻ thành công mang đến cho khách hàng của họ trải nghiệm mua sắm đa kênh.

Các trải nghiệm đa kênh không đơn giản chỉ là có một trang web để bán hàng hóa. Ví dụ: Target cung cấp cho khách hàng các tùy chọn đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại bãi đậu xe. Tương tự, Decathlon cung cấp dịch vụ đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng.

Các nhà bán lẻ thành công đã làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 2.

Mọi người duy trì khoảng cách khi xếp hàng vào cửa hàng thể thao tại Hà Lan vào ngày 4/4/2020.

Trong thời đại mà nhiều khách hàng quan tâm đến sức khỏe và muốn hạn chế thời gian đến các cửa hàng thực tế, thì khả năng đặt hàng trực tuyến, tránh xếp hàng và nhận hàng nhanh chóng tại cửa hàng là rất quan trọng. Việc có nhiều lựa chọn để thực hiện hoạt động mua sắm rõ ràng là điều mà người tiêu dùng ưa thích.

Các công ty khởi nghiệp của Mỹ gồm Warby Parker và Bonobos đã thành công trong việc chuyển đổi các cửa hàng thực của họ thành các phòng trưng bày, nơi khách hàng có thể thử kính mắt và quần áo sau đó đặt hàng để giao hoặc trả sản phẩm.

Cả Warby Parker và Crate & Barrel đều nhận ra rằng, việc thêm một cửa hàng thực tại một địa điểm cụ thể sẽ giúp tăng doanh số bán hàng trực tuyến của họ ở địa điểm đó.

Nghiên cứu của Trung tâm Bán lẻ Xuất sắc tại Đại học Quản lý Singapore với nhà bán lẻ địa phương IUIGA cũng ghi lại những lợi ích của phương pháp này. IUIGA đã chứng kiến doanh số bán hàng của mình tăng sau khi mở cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ "mọc lên" chớp nhoáng và biến mất sau một khoảng thời gian ngắn) tại trung tâm SingPost vào tháng 5 năm 2018.

IUIGA đã hoàn toàn áp dụng cách tiếp cận đa kênh và hiện đã có 12 cửa hàng bán lẻ thực tế chỉ riêng tại Singapore cùng với kế hoạch mở rộng sang Indonesia.

 3. Tốc độ giao hàng  

Các cuộc khảo sát cho thấy, người tiêu dùng bán lẻ thích giao hàng nhanh hơn khi đặt hàng trực tuyến.

Khả năng hoàn thành đơn hàng trực tuyến nhanh chóng đang trở thành điểm khác biệt chính của các đơn vị bán lẻ. Chuỗi siêu thị Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh trong thời gian 30 phút cho khách hàng bán kính 3 km.

Tại Hoa Kỳ, Amazon và Walmart cũng đã nâng cao lợi thế bằng cách cung cấp cho khách hàng các tùy chọn giao hàng trong ngày.

Các nhà bán lẻ thành công đã làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh chụp một cửa hàng 7-Eleven ở Singapore. Ảnh: CNA

Gần đây hơn, 7-Eleven đã triển khai một ứng dụng có tên 7Now tại Hoa Kỳ cung cấp tùy chọn giao hàng trong 30 phút với biểu phí cố định.

Với xếp hạng trung bình 4,5 trên Google Play từ hơn 22.000 lượt đánh giá và xếp hạng 4,6 trên Apple App Store với hơn 76.000 lượt đánh giá, 7Now đã trở thành một nguồn doanh thu ngày càng tăng cho công ty.

 4. Sử dụng mạng xã hội thu hút khách hàng   

Các nhà bán lẻ đang mở rộng việc sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, tận dụng nó như một kênh thu hút khách hàng, từ ứng dụng Facebook Messenger trên các trang web của Decathlon cho đến việc sử dụng dịch vụ hỗ trợ WhatsApp của chuỗi cửa hàng bách hóa Shoppers Stop ở Ấn Độ.

Với WhatsApp, khách hàng của Shoppers Stop có thể lên lịch hẹn trực tuyến với những người bán hàng để xem hàng hóa và đặt hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể đặt lịch hẹn riêng tại cửa hàng. Kênh hỗ trợ kỹ thuật số này hiện chiếm gần 15% doanh thu của Shoppers Stop.

Nhận thấy tiềm năng rất lớn của thương mại xã hội, đặc biệt là đối với các nhà bán lẻ, WeChat, Facebook hiện đang cung cấp cho các nhà bán lẻ các tùy chọn bán hàng trực tiếp trên kênh của họ, bao gồm mua sắm trong ứng dụng trực tiếp trên WhatsApp.

5. Phát trực tiếp để bán sản phẩm  

Các nhà bán lẻ thành công đã chấp nhận phát trực tiếp để bán sản phẩm của họ. Phương pháp này trước đây thường được áp dụng cho các mặt hàng gia dụng và các sản phẩm giá rẻ. Nhưng giờ đây, ngay cả các nhà bán lẻ sang trọng cũng đã nhiệt tình chấp nhận phát trực tiếp sản phẩm của mình thông qua những người có ảnh hưởng xã hội và những người nổi tiếng và nhân viên của họ.

Đầu năm nay, Burberry đã mời một nhân vật có ảnh hưởng ởTrung Quốc, Yvonne Ching tham gia một sự kiện phát trực tiếp với 1,4 triệu người xem. Hàng hóa trưng bày đã bán hết sạch trong vòng chưa đầy một giờ.

Các nhà bán lẻ thành công đã làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 4.

Cửa hàng Burberry tại Seoul

LVMH đã tổ chức một sự kiện "re-see" trình chiếu lại buổi trình diễn thời trang bộ sưu tập mới của họ trên WeChat với sự điều khiển trực tiếp của những người nổi tiếng Trung Quốc như Liu Haoran và Dilireba.

Không sử dụng những người có ảnh hưởng và người nổi tiếng, cửa hàng bách hóa Intime thuộc sở hữu của Alibaba đã tổ chức 200 sự kiện phát trực tiếp với sự tham gia của 5.000 nhân viên trong thời gian COVID-19 bị khóa.

Đặc điểm chính của những sự kiện này là cách khách hàng có thể dễ dàng nhấp vào và mua hàng hóa được phát trực tiếp.

6. Xây dựng các cửa hàng thực tế mang tính biểu tượng, phục vụ tận tình  

Các nhà bán lẻ đang suy nghĩ lại về vai trò của các cửa hàng thực. Các thương hiệu toàn cầu như Apple và các nhà bán lẻ sang trọng đang áp dụng khái niệm cửa hàng hàng đầu mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng của họ.

Các nhà bán lẻ thành công đã làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 5.

Cửa hàng Apple tại Marina Bay Sands

Starbucks, với các cửa hàng lớn ở Thượng Hải và Tokyo đang áp dụng phương pháp này. Họ đã thiết kế những cửa hàng giống như cửa hàng trong một ngôi nhà cổ 100 năm tuổi hấp dẫn ở Kyoto, không phải để thúc đẩy doanh số bán hàng mà để giới thiệu thương hiệu dưới một ánh sáng mới, trong đó, cửa hàng như một điểm trò chuyện cho khách hàng.

Trên thực tế, nếu bạn đã từng đến cửa hàng Kyoto, bạn sẽ hiểu ngay rằng nó kém hiệu quả hơn về mặt thương mại nhưng nó lại phục vụ rất tốt cho mục đích đưa thương hiệu trở thành một phần trong cuộc trò chuyện của khách hàng. Các cửa hàng này thực sự là một phương tiện quảng cáo rất hiệu quả. 

Trong bối cảnh đại dịch, các nhà bán lẻ trên toàn cầu đang thử nghiệm và xác định các cơ hội để nhìn nhận lại vai trò của các cửa hàng thực, đồng thời, họ cũng đang tận dụng công nghệ để bán hàng trực tuyến- nơi họ cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và tạo ra lợi nhuận.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.