Các nhà hàng Nhật đối mặt với làn sóng 'khủng bố sushi'
Món sushi từ lâu đã mang tính biểu tượng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Gần đây, các nhà hàng băng chuyền của Nhật đang "đau đầu" khi phải giải quyết tình trạng cố ý "bôi bẩn sushi" hay còn gọi là "khủng bố sushi".
Tuần trước, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, quay tại Sushiro, một chuỗi cửa hàng sushi nổi tiếng ở Nhật, có nội dung một khách hàng nam liếm ngón tay, chạm vào món sushi và đặt trở lại băng chuyền cho thực khách sau dùng. Trước đó, một đoạn video khác cũng được lan rộng về một người đàn ông liếm chai gia vị rồi đặt vào vị trí cũ cho khách hàng sau.
Việc này đã gây ra vô số chỉ trích ở Nhật Bản và nó được gọi là làn sóng "khủng bố sushi". Làn sóng này đã ảnh hưởng trực tiếp tới công việc kinh doanh của các nhà hàng băng chuyền, cũng như cả các nhà hàng sushi truyền thống khác. Điển hình như cổ phiếu của Sushiro thuộc Công ty Food & Life Companies Co Ltd đã giảm 4,8% vào Thứ Ba tuần trước.
Công ty Food & Life Companies đã nộp đơn kiện lên cảnh sát, yêu cầu khách hàng trong video bồi thường thiệt hại. Sau đó, công ty đã nhận được lời xin lỗi từ vị khách hàng này. Để khắc phục vấn đề, công ty đã chỉ đạo nhân viên nhà hàng cung cấp đồ dùng hoặc hộp đựng gia vị được khử trùng đặc biệt cho bất kỳ khách hàng nào cảm thấy khó chịu.
Sushiro không phải là nhà hàng duy nhất phải giải quyết vấn đề này. Hai chuỗi sushi băng chuyền hàng đầu khác, Kura Sushi và Hamazushi cũng đã trải qua tình trạng tương tự.
Kura Sushi cũng đã trình báo cảnh sát video quay cảnh một khách hàng dùng tay bốc thức ăn và đặt trở lại băng chuyền để người khác ăn. Theo đại diện của nhà hàng, đoạn clip dường như đã được quay cách đây 4 năm nhưng chỉ mới xuất hiện gần đây.
Tuần trước, Hamazushi đã phát hiện một video lan truyền rộng rãi trên Twitter về một vị khách bơm wasabi lên sushi khi món ăn lăn qua.
Nobuo Yonekawa, một nhà phê bình ẩm thực nhận định: “Tôi nghĩ những sự cố như 'khủng hoảng sushi' xảy ra vì nhà hàng có quá ít nhân theo dõi khách hàng. Nguyên nhân do các nhà hàng gần đây đã cắt giảm nhân sự để đối phó với các chi phí gia tăng".
Ông Yonekawa bổ sung, thời điểm diễn ra các trò đùa này đặc biệt nhạy cảm, nhất là khi người tiêu dùng Nhật Bản đang tiếp tục có ý thức vệ sinh hơn để phòng tránh COVID-19.
Nhật Bản nổi tiếng là một trong những nơi sạch nhất thế giới, nơi mọi người đeo khẩu trang thường xuyên ngay cả trước khi xảy ra đại dịch để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.
Đất nước này hiện đang trải qua làn sóng nhiễm COVID-19 kỷ lục, với số ca mắc hàng ngày lên tới gần 247.000 vào đầu tháng 1.
Ông Yonekawa nói: "Trong thời điểm của COVID-19 phức tạp và trước những sự cố này, các chuỗi sushi băng chuyền cần đánh giá lại các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm của họ. Những chuỗi nhà hàng này sẽ cần phải có các giải pháp để lấy lại lòng tin của khách hàng".
Hiện, Sushiro đã ngừng hoàn toàn việc phục vụ thức ăn trên băng chuyền để ngăn việc khách hàng chạm vào thức ăn của người sau.
Thay vì để khách hàng lấy món ăn chạy trên băng chuyền, nhà hàng đã đặt ảnh món sushi lên trên những chiếc đĩa trống và mọi ng có thể lấy ảnh về bàn, chờ nhân viên mang món ăn đến.
Nhà hàng Kura Sushi thì sử dụng camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quan sát và quét xem thực khách có hành vi đáng ngờ hay không.
Về cơ bản, các đĩa sushi của Kura Sushi trên băng chuyền có nắp đậy. Khi thực khách lấy đồ trên đĩa, nắp sẽ lật lên rồi lại lật xuống. Vào cuối năm 2021, Kura Sushi bắt đầu sử dụng camera AI để theo dõi việc mở và đóng nắp với mục đích đếm mức sử dụng đĩa của khách hàng. Hiện tại, nhà hàng đang cập nhật hệ thống camera để có thể phát hiện các hành vi đáng ngờ, chẳng hạn như khi nắp được mở và đóng liên tục.
An Mai (Theo CNN)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.