Các nước chạy đua để ngăn chặn biến thể Covid mới, liệu nỗ lực chống dịch của cả thế giới có trở thành công cốc?
Một số quốc gia đã công bố những ca nhiễm đầu tiên của biến thể Omicron mới có khả năng lây nhiễm cao, các chính phủ trên toàn thế giới có thể lại áp dụng biện pháp đóng cửa chống dịch.
Thắt chặt các biện pháp phòng dịch
Các chính phủ trên thế giới đang gấp rút lên kế hoạch ngăn chặn một biến thể Covid-19 mới, điển hình là Israel đóng cửa biên giới với công dân nước ngoài và Úc công bố các ca nhiễm đầu tiên của biến thể này.
Biến thể Omicron vừa được phát hiện đã làm dấy lên lo ngại về khả năng lây nhiễm cao sẽ xóa sổ toàn bộ nỗ lực chống dịch của cả thể giới, buộc các quốc gia phải áp dụng lại các biện pháp mà nhiều người hy vọng là dĩ vãng. Các nhà khoa học đang chạy đua để xác định mối đe dọa do chủng đột biến này gây ra - đặc biệt là về việc vi rút này có "né" được các loại vắc xin hiện có hay không.
Một số quốc gia cũng đã công bố kế hoạch hạn chế du lịch từ miền nam châu Phi, nơi chủng Covid mới được phát hiện lần đầu tiên. Trong đó bao gồm trung tâm du lịch quan trọng Qatar, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Ả Rập Xê-út, Kuwait và Hà Lan.
Nghiêm ngặt nhất trong số đó là Israel, họ cho biết sẽ đóng cửa biên giới với tất cả người nước ngoài để hạn chế sự lây lan của biến thể. Động thái được đưa ra chỉ 4 tuần sau khi nước này mở cửa trở lại cho khách du lịch sau khoảng thời gian đóng cửa kéo dài do Covid-19.
"Chúng tôi đang giương cao một lá cờ đỏ", Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết. Đồng thời, ông cũng cũng chia sẻ nước này sẽ đặt thêm 10 triệu bộ xét nghiệm PCR để ngăn chặn chủng "rất nguy hiểm". Văn phòng thủ tướng thông báo công dân Israel sẽ phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính và cách ly trong ba ngày nếu họ đã được tiêm vắc xin Covid-19 và bảy ngày nếu họ chưa tiêm phòng.
Biến thể mới vẫn "lọt lưới"
Biến thể mới xuất hiện chỉ một tháng sau khi Úc dỡ bỏ lệnh cấm công dân đi du lịch nước ngoài khi không được phép và biên giới của đất nước cũng được mở cửa cho lao động có tay nghề cao và sinh viên quốc tế.
Dù các nước trên thế giới đã khẩn trương thắt chặt các biện pháp đảm bảo an toàn, chủng vi rút mới vẫn "lọt qua lưới". Theo thông tin, biến thể Omicron đã lây lan ở khắp mọi nơi từ Hà Lan đến Hồng Kông và Úc.
Chủng mới được phát hiện lần đầu tiên ở hai hành khách đến từ miền nam châu Phi sau khi xét nghiệm để bay vào Sydney. Nhà chức trách cho biết cả hai trường hợp đều đã được tiêm phòng đầy đủ và hạ cánh cùng ngày khi Canberra tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay từ 9 quốc gia Nam Phi, bao gồm Nam Phi và Zimbabwe.
Ngay sau đó, các chính phủ đã đóng cửa biên giới với tốc độ đáng kinh ngạc. Dù vậy, các du khách tập trung tại Sân bay Quốc tế Johannesburg của Nam Phi vẫn cố liều lĩnh chen vào các chuyến bay cuối cùng đến các quốc gia đã áp dụng lệnh cấm du lịch đột ngột.
Dòng người tháo chạy khỏi Nam Phi vì sợ biến thể Omicron
Tại Hà Lan, 61 hành khách có kết quả dương tính sau khi ngồi hai chuyến bay từ Nam Phi. Phóng viên sức khỏe toàn cầu Stephanie Nolen của New York Times cho biết các hành khách này, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, chen chúc nhau để chờ được kiểm tra, trong khi "vẫn có 30% người không đeo mặt nạ hoặc chỉ bịt miệng".
Vào tuần trước, các nhà khoa học ở Nam Phi cho biết họ đã phát hiện ra biến thể B.1.1.529 mới với ít nhất 10 đột biến. Con số này thật sự gây sốc so với 3 biến thể Beta hoặc 2 biến thể Delta - chủng loại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi toàn cầu và khiến hầu hết nơi trên toàn thế giới rơi vào tình trạng giãn cách xã hội.
Biến thể Omicron gây "xáo trộn"
Biến thể này cũng đã làm sống lại các đường đứt gãy địa chính trị ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch gây ra, với việc Mỹ nhanh chóng ca ngợi sự thẳng thắn của Nam Phi về chủng vi rút mới. Việc này đã gợi mọi người liên tưởng tới cách Trung Quốc xử lý thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã "ca ngợi các nhà khoa học Nam Phi vì đã nhanh chóng xác định được biến thể Omicron và chính phủ Nam Phi với sự minh bạch trong việc chia sẻ thông tin này, làm gương cho thế giới", Bộ Ngoại giao tuyên bố.
Mặt khác, Nam Phi đã phàn nàn họ đang bị đối xử bất công với các lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không "hà khắc" vì phát hiện ra chủng vi rút mà Tổ chức Y tế Thế giới gọi là một "biến thể đáng lo ngại". "Khoa học xuất sắc cần được tán dương và không đáng bị trừng phạt", Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố.
Hàng chục quốc gia đã đưa Nam Phi và các nước láng giềng miền Nam châu Phi vào danh sách đen kể từ khi các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo về biến thể mới
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đang tìm cách sửa đổi các loại vắc xin hiện tại để nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron. BioNTech của Đức và nhà sản xuất dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết họ đang đợi dữ liệu, "chậm nhất là trong hai tuần" để biết liệu có thể điều chỉnh các mũi tiêm hay không. Moderna cho biết họ sẽ phát triển các liều vắc xin tăng cường dành riêng cho biến thể mới.
Biến thể mới làm hiện rõ sự chênh lệch trong khoảng cách dân số thế giới được tiêm chủng. Theo các nhóm y tế và nhân quyền, khi nhiều nước phát triển đang tiêm liều thứ ba, thì chưa đến 7% người dân ở các nước thu nhập thấp mới được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên.
Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh vắc xin GAVI cùng WHO và người đồng lãnh đạo Cơ chế COVAX (thúc đẩy phân phối vắc xin công bằng) cho biết việc tiêm chủng là cần thiết để ngăn chặn sự xuất hiện của nhiều biến thể Covid hơn.
Ông cho biết trong một tuyên bố: "Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm về Omicron, nhưng chúng ta biết rằng khi phần lớn dân số thế giới chưa được tiêm chủng, các biến thể sẽ tiếp tục xuất hiện và đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài. Chúng ta sẽ chỉ có thể ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện khi bảo vệ được tất cả người dân trên thế giới, chứ không chỉ những người giàu có".
Linh ChiDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.