Các nước Đông Nam Á sẽ sớm được AstraZeneca bàn giao vaccine COVID-19

Tin y tế
09:15 AM 11/06/2021

AstraZeneca khẳng định việc phân phối vaccine đến các nước Đông Nam Á sẽ diễn ra trong những tuần tới. Hiện hãng đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ liên quan nhằm cung cấp vaccine càng sớm càng tốt.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có thông tin về khả năng chậm tiến độ giao vaccine từ nhà máy sản xuất Siam Bioscience của Thái Lan. Việc phân phối vaccine của AstraZeneca tại Đông Nam Á phụ thuộc vào 200 liều vaccine được Siam Bioscience sản xuất. 

Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến năng suất của nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 tại Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Siam Bioscience sản xuất vaccine. Tháng 1 vừa qua, Siam Bioscience ước tính có thể sản xuất 200 triệu liều mỗi năm, tương đương 15-20 triệu liều mỗi tháng. Hiện, AstraZeneca đang hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á nhằm bảo đảm việc cung cấp càng sớm, càng tốt vaccine COVID-19 của hãng này.

Các nước Đông Nam Á sẽ sớm được AstraZeneca bàn giao vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự kiến, trong tháng 6 này, Malaysia sẽ nhận 610 nghìn liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Thái Lan và tổng cộng 1,6 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, ngày 9/6, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc tiếp nhận có thể bị chậm trễ. 

Trước đó, Philippines cũng cho biết đã nhận được thông báo của AstraZeneca về việc giao lô vaccine đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn ba tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vaccine cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vaccine thứ hai cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8.  

Ngay Thái Lan, lẽ ra sẽ nhận được sáu triệu liều vaccine của AstraZeneca trong tháng 6, song hiện giờ cũng mới chỉ nhận được 1,8 triệu liều được sản xuất trong nước và 200 nghìn liều nhập từ Hàn Quốc.  

Liên quan đến vấn đề miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19, phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị cấp cao G7, ông Charles Michel Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) nhấn mạnh: "Việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine xem ra là đề xuất tốt, song nó không phải là giải pháp dễ dàng". 

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn