Các quỹ đầu tư tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam hiện có quy mô tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6% GDP, duy trì tốc độ phát triển tương đối cao, bình quân trên 20% mỗi năm. Điều này chứng tỏ ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng.
Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ có tỷ trọng rất cao, nhưng thường tự đầu tư trực tiếp và ít tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Đây cũng là một lý do quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết hiện, cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán. Sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhấn mạnh việc đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư đang được nước cơ quan này triển khai thực hiện.
Hiện nay, pháp luật về chứng khoán đã quy định rõ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán gồm: quỹ ETF, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…
Ông Don Lam - Tổng Giám đốc, Nhà đồng sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho rằng, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp để tăng số lượng các quỹ đầu tư tham gia và thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư thông qua các quỹ chuyên nghiệp.
Muốn vậy, chúng ta cần tăng cường đào tạo, giáo dục cho nhà đầu tư cá nhân trong việc tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Đây là giải pháp để giúp nhà đầu tư giảm rủi ro và lâu dài thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Trên thế giới, nhiều thị trường chứng khoán phát triển cũng vậy, các nhà đầu tư chiếm tỷ lệ lớn thường là các quỹ chứ không phải là nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam hiện đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Điều này cũng có nghĩa là khi phát triển kinh tế tư nhân thì cần nguồn vốn để phát triển, nguồn vốn đó sẽ từ các quỹ đầu tư. Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân cần vốn để phát triển, mua công nghệ để phát triển thì thường vay ngân hàng, nhưng song song với đó, cần thêm quỹ đầu tư tham gia theo hướng dài hạn.
Còn bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nêu ý kiến, cần sớm xây dựng một khung pháp lý để ngành quỹ có thể tham gia sâu rộng hơn trong tất cả hoạt động IPO của doanh nghiệp trên thị trường hoặc phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp trên thị trường. Như vậy chúng ta mới điều hướng được nguồn vốn từ phía quỹ sang cho doanh nghiệp. Còn hiện nay chủ yếu nguồn vốn của quỹ đều thực hiện hoạt động đầu tư thứ cấp, không phải đưa trực tiếp vào doanh nghiệp.
Được biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai ngay các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ tại Việt Nam, bao gồm cả hành lang pháp lý, tạo nguồn hàng hoá chất lượng, cũng như điều chỉnh nâng hạn mức đầu tư của các quỹ đầu tư chứng khoán.
Minh An (t/h)
Theo kế hoạch, ngày mai (3/4) là thời điểm liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Căn cứ giá xăng dầu tuần qua, các chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu ngày 3/4 có thể sẽ được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp.