Các startup công nghệ đình đám chịu thất bại 'thảm hại'
Không ít startup công nghệ nổi tiếng đã phải nếm mùi thất bại thảm hại, trong đó phải kể đến Theranos, Jawbone, Better Place, Pets.com,…
Khảo sát mới đây của CB Insights liên quan đến hơn 200 vụ thất bại lớn và tốn kém nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp (startup) cho thấy nhiều startup công nghệ dù nổi tiếng đến đâu cũng có thể "sụp đổ" nếu đi sai hướng.
Danh sách này bao gồm nhiều cái tên đình đám như Theranos với lùm xùm gian lận và âm mưu lừa đảo, hay trang thương mại điện tử cho thú cưng Pets.com đổ hàng triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo.
Báo cáo của CB Insights đã nêu 5 trường hợp thất bại điển hình trong khởi nghiệp, đó là startup công nghệ thử máu Theranos; công ty khởi nghiệp thiết bị theo dõi sức khỏe Jawbone; trang thương mại điện tử dành cho thú cưng Pets.com; startup xe điện Better Place; và công ty công nghệ năng lượng mặt trời Solyndra.
1. Công ty công nghệ năng lượng mặt trời Solyndra
Được thành lập năm 2005, nhà sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời nhanh chóng trở thành cái tên được săn đón, thậm chí còn được chính quyền Obama coi là điển hình cho sự đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Solyndra nhận được bảo lãnh cho khoản vay liên bang trị giá 535 triệu USD, đồng thời huy động được hơn 1,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư như Redpoint Ventures, US Venture Partners và nhà quyên góp lớn cho ông Obama, tỷ phú George Kaiser.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Solyndra đã giảm sút mạnh mẽ khi giá cả các nguyên vật liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như silicon giảm mạnh vào thời điểm năm 2011.
Điều này giúp các đối thủ của Solyndra có thể hạ giá sản phẩm, trong khi Solyndra, do không sử dụng polysilicon trong sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, nên không thể cạnh tranh về giá. Startup này nộp đơn xin phá sản vào tháng 9/2011.
2. Startup công nghệ thử máu Theranos
Nữ tỷ phú người Mỹ Elizabeth Holmes là một ví dụ. Từng là một "ngôi sao đang lên" ở Thung lũng Silicon, Elizabeth Holmes sở hữu khối tài sản 5 tỷ USD. Công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ thử máu nhanh Theranos của Elizabeth Holmes có thời điểm được định giá lên đến 9 tỷ USD.
Không lâu sau, công nghệ của Theranos bị phát hiện là không cho kết quả chính xác. Đầu năm 2016, cơ quan chức năng kết luận rằng công nghệ này thậm chí đặt ra rủi ro về an toàn cho bệnh nhân. Elizabeth Holmes bị kết tội gian lận vào tháng 6/2018, và hiện tài sản của cô đã về con số 0 tròn trĩnh. Theranos đóng cửa vào tháng 9/2018.
Elizabeth Holmes đã bỏ Đại học Stanford để sáng lập startup của riêng mình năm 2003. Những cam kết về các thiết bị xét nghiệm máu nhanh hơn, rẻ hơn và chính xác hơn đã khiến cái tên Theranos vụt sáng, giúp startup này huy động được hơn 500 triệu USD và được định giá tới 9 tỷ USD trên thị trường.
Trước khi bị phanh phui lừa đảo, Theranos đã huy động được tiền từ nhiều nhà đầu tư tên tuổi. Elizabeth Holmes phải đối mặt với một phiên tòa hình sự, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021, với tội danh gian lận và âm mưu gian lận.
3. Công ty khởi nghiệp thiết bị theo dõi sức khỏe Jawbone
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco được đánh giá khá cao trên thị trường sản phẩm công nghệ thông minh đeo trên người (Wearable Technology) vốn đã bão hòa. Công ty được định giá 3,2 tỷ USD vào thời điểm năm 2014, với cam kết về thiết bị theo dõi sức khỏe UP, được phát triển với mục tiêu cạnh tranh với Fitbit.
Các nhà đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital, Kleiner Perkins Caufield & Byers và Andreessen Horowitz đã đặt cược vào nỗ lực thống trị thị trường thiết bị đeo của startup này (Marissa Mayer, người sau này trở thành CEO của Yahoo thậm chí còn tham gia vào ban giám đốc của công ty).
Nhưng, dù đã huy động được tới 900 triệu USD, Jawbone chỉ chiếm được chưa tới 3% thị phần thiết bị đeo theo dõi sức khỏe trong năm 2015. Jawbone bắt đầu thanh lý tài sản vào tháng 7/2017.
4. Startup xe điện Better Place
Được thành lập bởi doanh nhân Israel Shai Agassi vào năm 2007, dự án xe điện Better Place từng được kỳ vọng có thể tạo ra một làn sóng thành công tương tự đối thủ Tesla.
Startup đã huy động được hơn 900 triệu USD từ các nhà đầu tư (như VantagePoint Capital Partners, General Electric và các gã khổng trong ngành ngân hàng như HSBC, Morgan Stanley) với ý tưởng sáng tạo về các trạm thay thế pin xe điện, nơi những chiếc xe điện hết điện của hãng có thể ra thay pin mới chỉ trong vài phút. Nhờ đó, những lo lắng của tài xế về phạm vi và thời gian sử dụng xe điện cũng giảm bớt.
Tuy nhiên, các vấn đề hậu cần cũng như chi phí cơ sở hạ tầng như xây dựng các trạm đổi pin quá cao khiến ý tưởng này khó có thể thành công. Better Place chỉ có thể đưa vào vận hành khoảng 1.000 xe trước khi nộp đơn xin phá sản năm 2013.
5. Trang thương mại điện tử bán sản phẩm cho thú cưng Pets.com
Ra mắt năm 1998 như một trang thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm chăm sóc thú cưng, Pets.com đã huy động được khoảng 110 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm Amazon và Hummer Winblad. Số tiền huy động thấp hơn nhiều so với các startup được đề cập ở trên, song chính các bong bóng dotcom đầu những năm 2000 mới là điều khiến sự thất bại của Pets.com trở thành thảm họa.
Công ty này đã đổ hàng triệu USD vào các chiến dịch tiếp thị, bao gồm cả việc mua quảng cáo tại sự kiện đắt đỏ nhất trong năm ở Mỹ là Super Bowl hồi tháng 1/2000, một tháng sau có đợt phát hành cổ phiều lần đầu ra công chúng và huy động được tới 82,5 triệu USD.
Tuy nhiên, bội chi quảng cáo cùng các khoản thua lỗ từ mô hình kinh doanh kém bền vững đã khiến Pets.com phá sản ngay thời điểm cuối năm. Công ty bắt đầu thanh lý tài sản vào tháng 11/2000.
Hoài AnKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.