Các thương hiệu cao cấp "đổ bộ" vào Ấn Độ

Quốc tế
12:49 PM 09/05/2023

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ trong những năm qua khiến nước này dần trở thành thị trường hấp dẫn đối với các thương hiệu xa xỉ phương Tây.

Ở trung tâm Mumbai, nội thất của tòa nhà di sản 100 năm tuổi đang được tân trang lại hoàn toàn để trở thành cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette, nơi sẽ có quầy hàng của hơn 200 thương hiệu cao cấp, nổi tiếng thế giới.

Có diện tích hơn 8.300m2, cửa hàng bách hóa sang trọng này là dự án hợp tác giữa chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp của Pháp Galeries Lafayette và Công ty thời trang và bán lẻ Aditya Birla của Ấn Độ. Galeries Lafayette sẽ khai trương vào năm 2024.

Cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette sắp khai trương ở khu vực Fort của Mumbai.

Cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette sắp khai trương ở khu vực Fort của Mumbai.

Nằm tại Fort (Mumbai), khu vực tập trung nhiều thương hiệu cao cấp tại Mumbai, gồm cả cửa hàng của các nhà thiết kế Ấn Độ như Sabyasachi Mukherjee, cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette là sự bắt kịp của các thương hiệu phương Tây với nhu cầu sử dụng đồ xa xỉ ngày càng tăng tại Ấn Độ.

Ông R. Sathyajit, Giám đốc điều hành bộ phận phát triển các mặt hàng xa xỉ tại Aditya Birla cho biết: "Sự hợp tác này là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy niềm tin của chúng tôi vào sự lớn mạnh của thị trường xa xỉ ở Ấn Độ".

Ông cho biết: "Động thái lần này phần lớn do sự thúc đẩy của những người tiêu dùng trẻ và giàu có. Họ sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm và trải nghiệm xa xỉ. Tầng lớp thương nhân, trung lưu đang phát triển mạnh mẽ và có sự thâm nhập sâu hơn của thương mại điện tử cũng hỗ trợ quá trình này".

Ngoài trung tâm bách hóa Galeries Lafayette ở Mumbai, dự án còn bao gồm một nền tảng thương mại điện tử và một trung tâm mua bán nữa ở Delhi.

Ấn Độ vốn không phải là thị trường lớn cho các thương hiệu xa xỉ phương Tây, nhất là trong bối cảnh việc tìm kiếm mặt bằng bán lẻ không dễ dàng và Ấn Độ cũng là một nơi khó khăn để kinh doanh khi có nhiều quy định phức tạp.

Nhưng điều đó dường như đang thay đổi do nhu cầu chi tiêu tăng lên ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2023 bất chấp suy thoái toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới cũng xếp hạng Ấn Độ ở vị trí thứ 63 vào năm 2022, tăng mạnh từ vị trí 142 vào năm 2014 về mức độ thuận lợi trong kinh doanh.

Theo Euromonitor International, thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 4,8% trong vòng 5 năm tới và dự kiến đạt giá trị ước tính 7,5 tỷ USD.

Người mẫu trình diễn những sáng tạo từ bộ sưu tập Mùa thu 2023 của Christian Dior ở Mumbai vào 30/3/2023. ẢNH: AFP

Quốc gia Nam Á này cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng triệu phú theo cấp số nhân. Theo Báo cáo về sự giàu có toàn cầu của Credit Suisse năm 2022, số triệu phú ở Ấn Độ ước tính tăng gấp đôi từ 796.000 người vào năm 2021 lên 1,6 triệu vào năm 2026.

Ông Anul Sareen, một chuyên gia cấp cao tại đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor International, cho biết: "Những ông lớn về hàng xa xỉ đang quan tâm và lạc quan về những nỗ lực phát triển của họ ở Ấn Độ".

Thực tế, người Ấn Độ cũng vẫn luôn ưa chuộng các thương hiệu xa xỉ của phương Tây, ngay cả trước khi các cửa hàng được mở cửa tại nước này. Nhiều người Ấn Độ giàu có thường mua hàng thời trang xa xỉ trong các chuyến đi nước ngoài.

Louis Vuitton là thương hiệu xa xỉ cao cấp quốc tế đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ vào năm 2002, tiếp theo là Dior, Hermes, Burberry và Chanel.

Ông Arvind Singhal, Chủ tịch của Technopak Advisors, một công ty tư vấn bán lẻ cho biết, các thương hiệu đang nhắm đến những người Ấn Độ mới giàu.

Ông Arvind thông tin: "Khi bạn nhìn vào những người giàu từ lâu ở Ấn Độ, họ hiểu rõ những thương hiệu này. Nhưng có một tầng lớp những người mới giàu có xuất thân khá khiêm tốn. Họ có thể là chuyên gia hoặc doanh nhân mới nổi. Họ không nhất thiết phải hiểu biết hoặc nhận thức rõ về những thương hiệu xa xỉ".

Hãng thời trang cao cấp của Pháp Dior đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại khách sạn Oberoi của Delhi vào năm 2006, mới giới thiệu bộ sưu tập trước mùa thu năm 2023 ở Ấn Độ tại ngay khu vực trung tâm.

Trước đó, các thương hiệu như Yves Saint Laurent cũng đã tổ chức show diễn nhưng Dior là hãng đầu tiên lên lịch trình tổ chức show diễn thường niên theo mùa tại Ấn Độ vào ngày 30/3/2023.

Dior cho biết, đây cũng là dịp kỷ niệm mối quan hệ giữa Dior, Chanakya Ateliers và Trường Thủ công Chanakya, nơi đào tạo phụ nữ từ các cộng đồng thu nhập thấp về thêu tay và thủ công. Những người thợ thêu Ấn Độ từ lâu đã có nhiều đóng góp cho thời trang Pháp.

Nữ diễn viên Bollywood Deepika Padukone là đại sứ của Louis Vuitton

Nữ diễn viên Bollywood Deepika Padukone là đại sứ của Louis Vuitton

Vào tháng 5/2022, Louis Vuitton cũng đã mời nữ diễn viên siêu sao Bollywood Deepika Padukone trở thành một trong các đại sứ thương hiệu của hãng.

Người khổng lồ trang sức Italy Bvlgari cũng đã chọn ngôi sao điện ảnh Priyanka Chopra Jonas vào năm 2021 làm đại sứ thương hiệu toàn cầu và ra mắt mangalsutra, sợi dây chuyền mà chú rể buộc quanh cổ cô dâu trong đám cưới của người theo đạo Hindu.

Hãng thời trang Italy Valentino đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Ấn Độ tại DLF Emporio Mall, một trung tâm mua sắm tập trung các nhãn hiệu cao cấp, ở Delhi vào tháng 7 năm 2022. Hãng thời trang Pháp Balenciaga cũng đang có kế hoạch mở một cửa hàng.

Tạp chí Vogue vào tháng 2 đã gọi hiện tại là "thời điểm trưởng thành" của ngành thời trang xa xỉ ở Ấn Độ.

Ngoài thời trang, xu hướng chuộng thương hiệu cao cấp đã phát triển trên diện rộng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản, phân khúc cao cấp phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19.

Theo Công ty bất động sản DLF, họ đã bán được 1.137 căn hộ cao cấp, có giá từ 70 triệu rupee (1,1 triệu đô la Singapore) trở lên, trong vòng ba ngày vào tháng 3 tại Gurugram, một thành phố vệ tinh gần Delhi.

Nhà thời trang Ý Valentino đã mở cửa hàng đầu tiên ở Ấn Độ tại Trung tâm thương mại DLF Emporio.

Nhà thời trang Ý Valentino đã mở cửa hàng đầu tiên ở Ấn Độ tại Trung tâm thương mại DLF Emporio.

Nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức Mercedes-Benz đã bán được con số kỷ lục 15.822 xe vào năm 2022, so với 11.242 của năm trước.

Nhưng việc mở rộng thương hiệu ở Ấn Độ dự kiến còn gặp nhiều thách thức, với sự cạnh tranh cao từ các nhà thiết kế Ấn Độ và hiện tại thiếu không gian bán lẻ.

“Một buổi trình diễn như của Dior có thể thu hút người tiêu dùng hiện tại hoặc mới, nhưng sẽ không thể thay đổi mọi thứ chỉ trong một đêm đối với nhà bán lẻ. Với sự năng động ở thị trường Ấn Độ khác xa so với các thị trường toàn cầu khác, các nhà bán lẻ xa xỉ cần phải liên tục phân tích nhu cầu của người tiêu dùng tại đây", ông Sareen cho biết.

Nhưng các thương hiệu vẫn giữ được thái độ lạc quan.

“Khi nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng lên 5 nghìn tỷ USD trong vài năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến của tầng lớp tiêu dùng hàng đầu cũng như tầng lớp trung lưu đầy khát vọng. Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng này chắc chắn sẽ là động lực cho nhiều thương hiệu hơn tham gia và đầu tư vào thị trường”,  ông Sathyajit nhận định.

An Mai (Theo Straits Times)
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.