Các thương hiệu cao cấp lần lượt phá sản trong đại dịch
Đại dịch COVID-19 vẫn đang tái bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thu nhập giảm, thậm chí thất nghiệp nên nhiều người đã phải thay đổi thói quen tiêu dùng các thương hiệu cao cấp. Một loạt hãng thời trang và sản xuất đồ cao cấp bắt đầu rơi vào bờ vực khủng hoảng.
Các thương hiệu nhỏ độc lập không có cửa hàng riêng chịu ảnh hưởng nặng nề vì việc đóng cửa các trung tâm thương mại.
Các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua, trong số đó, hàng loạt các thương hiệu từ thời trang đến mỹ phẩm xa xỉ đều đã lần lượt nộp đơn xin phá sản sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đối với những công ty phụ thuộc vào các cửa hàng truyền thống, COVID-19 chính là một thách thức lớn.
Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sỹ cho biết dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu đồng hồ của nước này trong 10 tháng qua đã giảm tới 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm mạnh nhất từng được ghi nhận trong 80 năm qua.
Đồng hồ Thụy Sỹ có giá dưới 500 CHF (giá xuất khẩu) giảm mạnh hơn khi cả giá trị và khối lượng đều giảm hơn 20% đối với đồng hồ có giá dưới 200 CHF. Những chiếc đồng hồ có giá xuất khẩu trên 500 CHF đã giảm 5,8% so với tháng 10-2019.
Trung Quốc và châu Âu là hai thị trường chính của đồng hồ Thụy Sĩ, tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, dịch bệnh đã khiến sự chênh lệch giữa các thị trường chủ lực ngày càng rõ rệt. Trong tháng 10-2020, dù chậm hơn bốn tháng trước nhưng thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ +15,1%. Trong khi đó thị trường châu Âu giảm mạnh, đặc biệt là ở Đức (17,3%), Pháp (-38,6%), Italy (-25,5%) và Tây Ban Nha (-27,6%)…
Một lĩnh vực khác cũng đang chịu thiệt hại nặng nề là ngành thời trang. Các nhà phân tích thị trường nhận định, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nói chung và giới kinh doanh thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp. Hàng hiệu đắt tiền vốn dĩ không được coi là sản phẩm thiết yếu và là sản phẩm đầu tư. Khi mọi người trở nên lo lắng cho túi tiền của mình thì sẽ có xu hướng tạm dừng việc mua bán các loại mặt hàng này, khách hàng không còn hứng thú với những sản phẩm thời trang đắt tiền, và thay vào đó, bắt đầu sống một lối sống tối giản, mua quần áo ít hơn. Vì thế, nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ đã phải đóng bớt cửa hàng hoặc tuyên bố phá sản trong thời điểm khó khăn này.
Brooks Brothers, thương hiệu may mặc cổ điển nhất của Mỹ dành cho nam giới, thông báo phá sản vào đầu tháng 7 vừa rồi. Trải qua lịch sử 202 năm phát triển đáng kinh ngạc, thương hiệu này luôn là lựa chọn của các ngôi sao từ Will Smith đến Andy Warhol, cung cấp trang phục cho hàng chục bộ phim và chương trình truyền hình nổi tiếng như Mad Men và cung cấp quần áo cho nhiều tổng thống, bao gồm cả Abraham Lincoln và Barack Obama.
Hiện tại, thương hiệu này thuộc sở hữu của doanh nhân người Ý Claudio Del Vecchio, con trai của tỷ phú kính mắt Luxottica Leonardo Del Vecchio. Việc kinh doanh của Brooks Brothers trước Covid-19 đã không được thuận lợi, bị ảnh hưởng bởi xu hướng ăn mặc ít trang trọng hơn và càng trở nên trầm trọng hơn dưới thời đại của sự cách ly.
Thương hiệu bán lẻ khổng lồ tại Hoa Kỳ Neiman Marcus, có tuổi thọ 113 năm, cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Công ty này sở hữu các thương hiệu bán lẻ bao gồm Bergdorf Goodman và trang thương mại điện tử sang trọng Mytheresa, tuy nhiên đã phải gánh chịu khoản nợ khoảng 4 tỷ USD trước khi tuyên bố phá sản, khiến công ty mất khoảng 300 triệu USD tiền lãi mỗi năm.
Mặc dù nhiều thương hiệu xa xỉ như Chanel, LVMH hay Tiffany đều ghi nhận doanh số tăng vọt tại thị trường Trung Quốc sau khi lệnh đóng cửa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, điều này không bù đắp được sự sụt giảm dòng tiền mà các thương hiệu này thu từ khách Trung Quốc trên toàn cầu. Tương lai của ngành thời trang phụ thuộc vào hai lĩnh vực lớn, trong đó lĩnh vực thứ nhất là du lịch. Các lệnh đóng cửa biên giới và tình trạng lây lan "dễ dàng" của virus đã khiến ngành du lịch thế giới "ngủ đông" và khiến doanh số bán các loại hàng hóa "xa xỉ", thường được mua bởi khách du lịch nước ngoài sụt giảm, mặc dù một phần nhỏ đã tạm hồi phục, nhờ vào tiêu dùng trong nước.
Đại dịch COVID-19 bị đánh giá là cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Việc các doanh nghiệp phải đóng cửa và các nước áp đặt lệnh phong tỏa đã đẩy thế giới rơi vào suy thoái tồi tệ, các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp đều gặp khó khăn. Triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa chắc chắn và phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến dịch COVID-19, tuy nhiên để có thể phục hồi hoàn toàn cũng sẽ mất một thời gian khá dài.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.