Các thương hiệu trang sức cao cấp ưa chuộng những vật liệu có tính bền vững
Khi mối quan tâm về tính bền vững ngày càng tăng, nhiều thương hiệu trang sức cao cấp đang tìm kiếm các giải pháp thân thiện với môi trường, từ tái chế các loại đá quý bị hỏng, sử dụng nguyên liệu mới, cho đến tận dụng hóa thạch và vỏ sò...
Boucheron gần đây đã giới thiệu bộ sưu tập trang sức được sản xuất từ amiăng. Họ đã ra mắt các sản phẩm làm bằng Cofalit - kết quả của quá trình đốt nóng và nung chảy amiăng thành vật chất giống xi măng. Quá trình này đã biến amiăng từ một loại hóa chất nguy hiểm trở nên vô hại hoàn toàn.
Giám đốc sáng tạo của Boucheron Claire Choisne cho biết: "Cofalit hoàn toàn trái ngược với định nghĩa vật liệu quý trong suy nghĩ của mọi người".
Choisne không phải là nhà thiết kế duy nhất tìm kiếm những cách sáng tạo mới để tạo ra đồ trang sức bền vững hơn. Công ty trang sức Pomellato cũng đã sử dụng kỹ thuật hàn truyền thống của Nhật Bản (gọi là kintsugi) để tái chế những viên đá bị hỏng, trong khi Tiffany & Co. đã tung ra dòng sản phẩm đầu tiên làm từ vàng tái chế.
Thường đi tiên phong trong thiết kế đương đại, Hemmerle cũng đã đi đầu trong việc sử dụng các vật liệu không cần khai thác như hóa thạch và vỏ sò trong nhiều thập kỷ. Hemmerle đã chứng minh được việc "tái sử dụng" những món đồ như vậy có thể làm tăng thêm vẻ đẹp và giá trị cho các tác phẩm trang sức.
Zulu Ghepriya, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Smiling Rocks, một thương hiệu chuyên về kim cương nhân tạo, cho biết: "Các nhà thiết kế đang tạo ra tương lai mới với dòng sản phẩm bền vững".
Nhà kim hoàn người Đức Judith Peterhoff tin tưởng xu hướng này đang phát triển nhanh vì mọi người đang ngày càng có ý thức hơn trong việc mua sắm. "Khách hàng có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và internet để tìm hiểu xem đồ trang sức của họ đến từ đâu. Họ muốn đảm bảo rằng trang sức của có nguồn gốc lành mạnh", bà nói.
Theo Hội đồng Kim cương Mỹ (DCA), ước tính có khoảng 250 tấn đất phải di chuyển để khai thác được một carat kim cương. Khai thác vàng cũng tương tự, với 20 tấn chất thải được tạo ra để khai thác được mỗi 9 gam kim loại này. Các công ty cũng đổ thêm 180 triệu tấn chất thải nguy hại từ những nơi khai thác kim loại quý xuống suối, hồ và đại dương mỗi năm, gấp hơn 1,5 lần lượng chất thải mà các thành phố của Mỹ đưa đến các bãi chôn lấp trong khoảng thời gian đó.
Hiện nay, các thợ kim hoàn thường có xu hướng sử dụng vàng có nguồn gốc hợp pháp. Có nhiều sáng kiến như Fairtrade International, Liên minh khai thác có trách nhiệm và Earthworks đã giúp cung cấp vàng có nguồn gốc hợp pháp tới tay các thợ kim hoàn.
Yumé Martin của hãng Yumé Jewellery là một trong những thợ kim hoàn như vậy. Cùng với các thương hiệu như Stephen Webster, Fernando Jorge, Messika và Bulgari, bà đã chuyển sang sử dụng các loại vàng có thể truy xuất nguồn gốc. Martin cho biết: "Khi tôi bắt đầu thiết kế đồ trang sức hơn 25 năm trước, có rất ít công ty cung cấp được kim loại có nguồn gốc hợp pháp".
Vậy sự khác biệt giữa vàng tái chế và vàng mới khai thác là gì? "Hoàn toàn không khác biệt", Ghevriya - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Smiling Rocks nói. Ông bổ sung: "Các kim loại tái chế, chẳng hạn như vàng hoặc hợp kim tái chế, có cùng mức độ tinh khiết như vàng thông thường mà chúng ta tìm thấy trong đồ trang sức truyền thống. Kim cương nhân tạo cũng có các tính chất hóa học, vật lý và quang học giống như kim cương khai thác trong lòng đất, điểm khác biệt duy nhất là chúng được tạo ra từ một cỗ máy sử dụng áp suất và nhiệt cực cao".
Niels Schaefer, đồng sáng lập của Loev, hãng chế tác các tác phẩm đương đại từ vàng 18k tái chế, cho biết: "Có một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong xã hội ngày nay, mọi người đang cố gắng hiểu sản phẩm được sản xuất ở đâu, như thế nào và điều quan trọng đối với họ là họ biết giá trị đằng sau những thương hiệu mà họ đã chọn".
Schaefer cũng đồng tình, ngành kinh doanh kim cương nhân tạo đang phát triển mạnh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sản xuất trung hòa carbon. Ông nói: "Tại Loev, chúng tôi đang hướng đến những viên kim cương nuôi trong phòng thí nghiệm được sản xuất bằng năng lượng tái tạo".
An Mai (Theo SCMP)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.